1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hưng Yên:

Kiếm tiền nhờ rác, mắc bệnh vì rác

(Dân trí) - Nhiều năm nay, với nghề tái chế nhựa đã qua sử dụng, làng Minh Khai (thường gọi là làng Khoai) ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên trở thành điểm quy tụ của những núi rác thải khổng lồ, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Bao năm nay, làng Khoai đã quen với cảnh từng đoàn xe tải ùn ùn mang rác khắp nơi về “đắp” kín làng. Người lạ lần đầu đến làng hẳn không khỏi thất kinh trước những núi rác thải khổng lồ cao ngất ngưởng, như muốn đổ ụp xuống đầu bất cứ ai.

 

Với phương pháp tái chế nhựa thủ công, những hộ sản xuất nơi đây đang từng ngày từng giờ bức tử môi trường: những dòng nước đen đặc, keo lại, nổi kín thứ bong bóng li ti, mùi hôi thối nồng nặc, khói bụi cao su dày đặc như sương mù, những núi rác chất kín khắp nơi…

 

Kiếm tiền nhờ rác, mắc bệnh vì rác - 1
Rác bằng các loại túi bóng, nhựa tràn khắp các nguồn nước con sông, chất đầy các con đường trong làng Khoai. (Ảnh: Thế Cường)

 

Bác Nguyễn Văn Hùng, một người dân sinh sống trong làng cho biết: “Làng nghề của chúng tôi vốn có từ lâu lắm rồi. Nhưng ngày xưa cũng chỉ có ít hộ kinh doanh và cũng chỉ tái chế ít nên môi trường cũng không ô nhiễm lắm. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người ồ ạt mở xưởng, thuê nhân công có đến hàng chục người, lùng mua tất cả các loại rác thải đưa về làng chế tác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”.

 

Đặc biệt, với những loại phế phẩm không thể sử dụng, các chủ hộ kinh doanh cho gom lại và tiến hành đốt ở tất cả những nơi có thể. Mỗi bãi rác bị đốt như vậy có khi cháy âm ỉ đến cả chục ngày, khói bủa vây khắp làng. Và ở làng Khoai, lúc nào cũng có vài đống rác đốt như vậy.

 

Kiếm tiền nhờ rác, mắc bệnh vì rác - 2
Khói độc thải ra từ việc tái chế nhựa mù mịt như sương mù. (Ảnh do độc giả cung cấp)

 

Anh Nguyễn Văn H., chủ một cơ sở tái chế bao bì nilon, cho biết: “Các loại rác không sử dụng được nữa chúng tôi đem đốt cho gọn chứ cứ để chất đống ra cả đấy còn ô nhiễm hơn. Biết là độc hại đấy nhưng không làm sao mà bỏ được vì nó mang lại cho gia đình hiệu quả về kinh tế”.

 

Quả thật vào làng Khoai bây giờ, những nhà cao tầng, những biệt thự mọc lên nhanh như nấm. Nhưng dưới những ngôi nhà ấy, trẻ nhỏ chơi đùa với rác thải, hít thứ khói bụi độc hại nồng nặc, uống thứ nước ô nhiễm…

 

Kiếm tiền nhờ rác, mắc bệnh vì rác - 3
Các nguồn nước, con sông đang bị ô nhiễm rất nặng. (Ảnh: Thế Cường)

 

Khi chúng tôi đến làng Khoai làm việc, nhận được thông tin hơn 50 công nhân Công ty tư nhân cơ khí Việt Nhật mấy hôm nay phải nghỉ làm vì không khí quá ô nhiễm, khói từ những đống rác đốt ập vào khiến công nhân không thở nổi.

 

Bà Trần Thị H., quản lí nhân sự Công ty cơ khí Việt Nhật cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi đi làm phải đeo đến hai, ba khẩu trang, chiến đấu cật lực để giành từng hơi thở. Cây cối trong công ty chết trụi hết. Ngay cả súc vật nuôi trong phòng bảo vệ cũng quay đơ ra chết.

 

Rất nhiều lô hàng chúng tôi mới sản xuất nhiễm khói bị oxy hoá, han gỉ phải bỏ hoàn toàn, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và đang đợi giải quyết”.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh - cho biết: “Trước đây làng Khoai là một làng nghề tự do. Về sự ô nhiễm trên, địa phương đã biết, về phía UBND huyện Văn Lâm cũng đã đầu tư những thùng chứa rác tại các tổ, các phố để giải quyết trước mắt nhưng cũng chỉ mới đi vào hoạt động. Với những hộ gây ô nhiễm nghiêm trọng tại làng Khoai, đã nhiều lần chúng tôi nhắc nhở và cảnh báo, chúng tôi cũng báo cáo lên cấp trên chờ phương án xử lý trước pháp luật”.

 

Số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ và môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: làng Khoai mắc cả ô nhiễm dầu, ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ. Theo thống kê của Trạm y tế thị trấn Như Quỳnh, 48% số người hành nghề liên quan đến tái chế mắc các bệnh nghẹt mũi, khó thở; 35% số người thường bị ho…

 

Cả làng Khoai có đến 500/700 gia đình tham gia sản xuất, tái chế đồ nhựa qua sử dụng. Theo ước tính mỗi ngày, làng Khoai tái chế khoảng 50 tấn nilon các loại. Sản phẩm của làng Khoai làm ra chủ yếu là các đồ bàn ghế nhựa, rổ rá, túi nilon…

 

Thế Cường