Kiếm tiền mùa nước nổi
Mùa nước là mùa làm ăn của dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Có những nghề kiếm tiền không giống ai mà chỉ khi nước lụt tràn về mới xuất hiện.
Người người câu... ếch
Theo Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh đi Hồng Ngự, chúng tôi thường gặp cảnh người lớn, trẻ con giỏ tre đeo ngang hông, đứng trên lộ thò cần câu dài ngoằng xuống các đám cỏ, lục bình nhấp nhấp để câu ếch.
Ở xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) nhiều người cho chúng tôi biết cứ tới mùa nước lên là nhà nào cũng chuẩn bị từ 2 -3 cần câu để câu ếch kiếm tiền.
Ông Mai Văn Đực, một dân câu ếch kỳ cựu ở ấp 3, giải thích: Nước lên cao thì ếch mẹ, ếch con không có chỗ trú ẩn nên xúm nhau ra khỏi hang, tá túc ở các đám cỏ, lục bình để kiếm ăn, người câu chỉ cần thả mồi xuống nhấp từ từ, nghe động là ếch táp mồi tức khắc.
Nghề này tương đối nhẹ, chủ yếu là bỏ công ra đi khắp các bờ bãi để câu nên người lớn, trẻ em gì cũng làm được. Trung bình mỗi người chịu khó thì một ngày có thể câu được vài ký ếch, bán với giá 7.000 đồng - 8.000 đồng/kg.
Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến 2 chị em Cúc, 8 tuổi và Đen, 7 tuổi, ở ấp 1, An Long đang câu ếch. Cúc nói, 2 năm nay cứ tới mùa nước nổi là hai chị em ngày ngày quẩy cần câu đi câu ếch về phụ giúp gia đình. Mỗi ngày 2 chị em câu được từ 2-3 kg ếch.
Đi kéo trứng nước
Ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, giữa buổi chiều tà chúng tôi chợt phát hiện nhiều nhóm người nặng nề kéo lưới trên đồng ruộng ngập nước. Nhưng khi đến gần, hóa ra những người này không phải lưới cá mà là lưới... trứng nước.
Trứng nước chỉ có nhiều trong đầu mùa nước nổi, nhỏ li ti như trứng cá, khó có thể nhận ra và chỉ xuất hiện trên đồng nước khoảng 1 tháng là hết.
Trứng nước có màu vàng nhạt và rất nhỏ, nên phải dùng vải mùng để đánh bắt. Theo lời anh Hùng, trứng nước là nguồn thức ăn khoái khẩu của cá bột nên nhu cầu thu mua trứng nước của các trại ương cá giống hoặc những nơi bán cá kiểng rất lớn. Mỗi ngày, anh Hùng cùng 3 người em có thể bắt được từ 7-8 lít trứng nước, mỗi lít bán từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng.
Nghề “xáng cơm”
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước nổi thì dân làm nghề xắn đất lại rục rịch làm ăn bởi người thì mướn đắp nền nhà, người thì mướn nạo vét mương, đắp bờ bao ngăn lũ... Muốn làm nghề xắn đất (hay còn gọi là nghề “xáng cơm” do “máy đào đất” này chạy bằng... cơm) trước tiên phải có sức khỏe dẻo dai, chịu lạnh giỏi, không ngại nắng mưa, không cần vốn nhiều.
Dân làm nghề này thường đi theo nhóm từ 4-6 người, mỗi người cọc cạch một chiếc xe đạp và đồ nghề đem theo rất gọn, chỉ cần 1 cái thùng thiếc dài 4 tấc, bề ngang 2 tấc rưỡi, trống hai đầu là đủ. Tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ, có một xóm chuyên môn làm nghề “xáng cơm”.
Ông Bùi Văn Bé, 58 tuổi, ngụ tại khóm 3, ấp Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, cho biết ông làm nghề “xáng cơm” đã hơn 20 năm, hiện nay ngày nào cũng cùng con cháu, anh em trong xóm chạy rảo quanh những nơi bị ngập nước, ai mướn gì làm nấy từ việc đắp đường, nạo vét mương, nâng cao nền nhà... đều làm hết.
Ông Bé cho biết: Mỗi ngày cũng kiếm được từ 40.000 - 50.000 đồng/người, ngày nào trúng mối có thể kiếm được cả trăm ngàn. “Làm cái nghề này mệt lắm, ngày nào mình mẩy cũng dính đầy sình bùn, nhiều khi gặp phải mương dơ, nước hôi thúi cũng phải làm, hình như ngửi mùi bùn riết rồi cũng quen” - ông Bé buồn buồn nói với chúng tôi như vậy.
Theo Người lao động