1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước?

(Dân trí) - Nguồn cung cấp nước sạch cho hơn 10 triệu người tại TPHCM là từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do nằm ở hạ lưu nên việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước là ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước.

Hệ thống cấp nước còn cũ kỹ

Tại hội thảo về cung cấp nước sạch cho người dân diễn ra ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay 100% dân số của thành phố đã được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, nhưng hệ thống cấp nước thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện tại và trong tương lai. 

 Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước? - 1

Nguồn nước thô của TPHCM từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo ông Hoan, nguồn nước thô của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, nhưng thành phố lại nằm phía cuối lưu vực nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước (do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội) dọc theo lưu vực là rất lớn mà thành phố rất khó để kiểm soát.

“Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô, thành phố thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô. Những yếu tố này sẽ gây mất an toàn cấp nước trong tương lai của thành phố”, ông Hoan nói.

Dù được đầu tư nhưng hệ thống cấp nước của thành phố vẫn còn nhiều hạng mục cũ kỹ, có những hệ thống đã hơn 50 năm. Chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp. Tuy nhiên khi đến người sử dụng qua hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, một số chỉ tiêu chất lượng nước chưa đảm bảo.

 Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước? - 2

Thay đường ống cấp nước tại trung tâm TPHCM

Một trong những nguyên nhân là áp lực trên hệ thống cấp nước không đồng đều, do không có các bể chứa trung gian và trạm bơm trung gian nhằm kiểm soát áp lực nước trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, hiện tượng lắng cặn do vận tốc nước trên hệ thống không đều.

Mục tiêu của thành phố là phát triển hệ thống cấp nước để người dân được uống nước tại vòi trong bối cảnh còn nhiều tồn tại, thách thức đối với ngành nước.

Để hoàn thiện hệ thống cấp nước đảm bảo chất lượng cần nguồn lực tài chính lớn, do đó vấn đề hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân được đề cập và chia sẻ nhiều. Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp cung cấp nước sạch trong nước rất băn khoăn.

Đại diện Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết, hiện giá nước bán lẻ ở TP là thấp nhất trong khu vực. Do đó, để đủ kinh phí đầu tư cho việc phát triển nguồn nước đã là vấn đề khó chứ chưa nói đến việc đảm bảo được uống nước tại vòi.

Do đó, vấn đề mời gọi đầu tư và phương án hoàn vốn cần phải rõ ràng, minh bạch. Riêng về uống nước tại vòi thì còn nhiều vấn đề quan tâm để đảm bảo chất lượng nguồn nước và được kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu xây dựng được hệ thống cấp nước tại vòi thì góp phần đảm bảo sức khỏe người dân, tránh được một số bệnh xuất phát từ việc lưu chứa nước. Tuy nhiên, thành phố phải xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn nước uống tại vòi.

 Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước? - 3

Nhiều đại biểu, chuyên gia nước ngoài đặt vấn đề, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống cấp nước

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các quốc gia trên thế giới (Úc, Philippine, Hungary, Hà Lan, Singapore...) đã đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình quản lý ngành nước, công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước, giám sát chất lượng nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước.

Đảm bảo an ninh nguồn nước, xây dựng ý thức tiết kiệm

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng cung cấp nước sạch cũng phải bắt đầu từ nguồn nước phải sạch.

“TP nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn nên kiểm soát ô nhiễm nguồn nước là ngoài tầm với. Nước sạch thì nguồn phải sạch, thành phố phải phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn để cùng gìn giữ nguồn nước có chất lượng”, ông Hoan nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cũng là việc cấp bách mà thành phố chưa bao giờ nghĩ tới.

“TP là đô thị bên sông nước, kênh rạch chằng chịt. Chúng ta chưa có cảm giác đã đến lúc chú ý đến an ninh nguồn nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp ứng phó… Còn thành phố chúng ta vẫn còn bình chân như vại, chưa thực sự quan tâm”, ông Hoan nhìn nhận.

Lãnh đạo UBND TP cho rằng, với hơn 10 triệu dân nếu không cung cấp nước sạch một ngày thì vất vả, nước ô nhiễm nặng mà không thể xử lý được thì chắc là khó khăn. Điều này đặt ra những giải pháp cấp bách cho thành phố.

 Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Ngoài tầm với của thành phố đông dân nhất nước? - 4

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng thành phố cần xây dựng ý thức tiết kiệm nước sạch bên cạnh việc đảm bảo an ninh nguồn nước

Cũng theo ông Hoan, một số quốc gia xây dựng được ý thức sử dụng nước tiết kiệm, nước thải cũng được xử lý để thành nước sạch. Như ở Singapore vì hạn chế nguồn nước nên tận dụng tất cả các nguồn có thể từ sương, nước mưa, nước biển.. để xử lý cho ra nước uống. Nhiều giải pháp để người dân thấy được sự quý giá của nguồn nước và sử dụng hiệu quả.

“Chúng ta thì sử dụng thoải mái, chưa tiết kiệm. Nước ở thành phố thì luồng vào rồi luồng ra, chúng ta đang lãng phí. Thành phố chưa xây dựng được ý thức tiết kiệm nước”, ông Hoan nói.

Lãnh đạo UBND TP cho biết, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho tương lai, trong quy hoạch mạng lưới cấp nước, cần gắn với việc sử dụng nước thải, quy hoạch cấp nước của vùng để ứng phó với tình huống thiếu nước và cũng có thể chia sẻ với địa phương bạn.

Về vấn đề vĩ mô, ông Hoan cho biết cần đánh giá lại hiệu quả công tác cổ phần hóa doanh nghiệp cung cấp nước sạch để khắc phục những tồn tại. Đây là vấn đề căn bản, cơ chế quản lý không chặt chẽ, rõ ràng, chưa có pháp lý đầy đủ thì mâu thuẫn trong quản lý kìm hãm quá trình đầu tư phát triển…

“Quan điểm, tư tưởng chưa thông thì làm gì có chuyện bỏ tiền ra đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp nước”, ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, mục tiêu xây dựng hệ thống cấp nước thành phố đến năm 2035 có tổng công suất cấp nước dự kiến là khoảng 3,7 triệu khối nước một ngày, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 15%, tiêu chuẩn dùng nước là 180 lít một người một ngày. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước của thành phố là hơn 23%.

Quốc Anh