1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiểm soát lái xe sử dụng chất ma túy, rượu bia

(Dân trí) - Thời gian tới, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra đồng loạt đội ngũ lái xe tải trên địa bàn về tình trạng sức khỏe, khả năng sử dụng chất ma túy.

Đây là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông TP Đà Nẵng nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, được ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông Đà Nẵng - trình bày tại hội nghị về công tác an toàn giao thông, trật tự đô thị quý I/2014 tổ chức sáng 16/4.

CSGT Công an TP Đà Nẵng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe máy nhằm hạn chế TNGT
CSGT Công an TP Đà Nẵng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe máy nhằm hạn chế TNGT

Theo ông Trung, trong quý 1/2014, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người và làn bị thương 44 người. So với cùng kỳ năm 2013, tai nạn giao thông tại Đà Nẵng đã giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong tổng số 51 vụ tai nạn giao thông kể trên, tai nạn giao thông đường bộ có 49 vụ, làm chết 24 người và làm 44 người khác bị thương, tổng thiệt hại tài sản 45,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2013, tai nạn giao thông đường bộ giảm 12 vụ (29/61 vụ), giảm 10 người chết (24/34 người), giảm 4 người bị thương (44/48 người).

Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân gây ra số vụ tai nạn cao nhất là đi quá tốc độ cho phép; kế đến là đi không đúng phần đường; chuyển hướng không quan sát; sử dụng rựu bia…

Về đối tượng gây tai nạn, chiếm phần lớn là người điều khiển xe mô tô với 37 vụ, làm 19 người chết, 34 người bị thương; xe mô tô 10 vụ làm 5 người chết, 8 người bị thương và người đi bộ có 2 vụ làm 2 người bị thương.

Về tai nạn giao thông đường sắt, ông Lê Văn Trung cho biết, trong quý 1/2014 trên địa bàn TP xảy ra 2 vụ làm chết 4 người; so với cùng kỳ năm 2013 thì số vụ không tăng nhưng số người chết tăng 2 người (4/2 người). Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng không có vụ tai nạn giao thông đường thủy nào xảy ra.

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông Đà Nẵng, từ đâu năm đến nay công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong quý 1/2014, lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã kiểm tra, lập biên bản 15.560 trường hợp vi phạm (gồm 7.969 ô tô, 7.472 mô tô, 119 xe máy điện); đã xử phạt 12.725 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước thu gần 6,8 tỉ đồng; tạm giữ 35 ô tô, 362 mô tô; tước giấy phép lái xe 1.433 trường hợp (516 ô tô, 917 mô tô); gửi thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến nơi cư trú, công tác, học tập 1.752 trường hợp. 

Ngày 16/4, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng tổ chức lễ phát động thực hiện giai đoạn 2 của dự án “Phòng, chống và kiểm soát lái xe sử dụng rượu, bia”. Dự án này do Trung tâm Quốc tế về Chính sách chất có cồn (ICAP) tài trợ thực hiện với mục tiêu tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia. Đây là 1 trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.

Các hoạt động chính của dự án là tập huấn cho cán bộ liên quan kiến thức về an toàn giao thông, tác hại của rượu bia, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, các biện pháp phòng chống và kiểm soát việc lạm dụng rượu bia; trang bị và hướng dẫn sử dụng máy đo nồng độ cồn cho lực lượng Thanh tra Giao thông và trang bị thiết bị tuyên truyền cho một số bến xe…

Trao tặng máy đo nồng độ cồn cho Thanh tra Giao thông TPHCM (
Trao tặng máy đo nồng độ cồn cho Thanh tra Giao thông TPHCM (ảnh: Sở GTVT TPHCM)

Giai đoạn 1 của Dự án (2011-2012) đã được thực hiện thành công tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Thời gian tới dự án sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2013-2015) tại 2 tỉnh này. Ngoài ra, trong giai đoạn 2, dự án bổ sung thêm TPHCM làm địa phương thứ 3 tham gia dự án.

Tại buổi lễ, Đại diện ICAP đã trao tặng và hướng dẫn Thanh tra giao thông TPHCM sử dụng máy đo nồng độ cồn. Với máy này, Thanh tra Giao thông TPHCM cho biết kể từ ngày 25/4 sẽ triển khai kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe khách tuyến cố định, xe tải, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn thành phố.

Theo đại diện Thanh tra giao thông TPHCM, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt ít nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Phát biểu tại lễ phát động dự án, ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM yêu cầu đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải cam kết thực hiện không điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường sau khi đã sử dụng rượu, bia. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, quản lý bến xe phải đặc biệt chú ý vấn đề này. Theo ông Dương Hồng Thanh, chỉ cần thực hiện tốt việc này thì tình hình tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia sẽ giảm đáng kể.

Công Bính - Tùng Nguyên