1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiểm soát cao ngựa “lậu”: Nói thì dễ…

(Dân trí) - Cao ngựa bạch được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì những tính năng, công dụng của nó. Song hầu hết mọi người lại không lưu tâm về việc loại cao mình dùng có đạt tiêu chuẩn, đúng chủng loại, cũng như nguồn gốc xuất xứ…

Ngựa bạch “xịn”: Rất hiếm!

 

Một con ngựa bạch thời điểm này xấp xỉ 30 triệu đồng. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trên cả nước chỉ có khoảng 400 đến 500 con ngựa bạch. Trong đó, ngựa bạch hiện nay chỉ có ở 4 tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Cạn.

 

Ở Việt Nam, cao hổ và cao ngựa bạch là hai loại cao đặc biệt, có thể hỗ trợ trong điều trị một số bệnh nan y nên hai loài này bị săn lùng ráo riết, nguy cơ tiệt chủng ở mức báo động cao nhất.

Theo bác sỹ Hoàng Triều, uỷ viên BCH TW Hội Thú Y: “Một con ngựa đủ chất lượng để sản xuất cao phải được nuôi từ 10 đến 15 năm mới hoàn thiện các vi chất. Tính trung bình, nấu xương một con ngựa thu được 3kg cao, tuỳ theo kết cấu từng bộ xương”.

Quy trình sản xuất cao xương ngựa được kiểm nghiệm tại Viện Trung tâm vệ sinh dinh dưỡng, nơi đây sẽ kiểm nghiệm 20 chất quan trọng trong cao ngựa, trong đó quan trọng là hàm lượng canxi và phốt pho. Quy trình khoa học này phải được Bộ Y tế công nhận. Còn việc nếu sản xuất cao ngựa mà không đủ quy trình, không đủ thời gian thì hiệu quả của cao sẽ không đạt tiêu chuẩn.

Hiện nay, Bộ Y tế hiện nay cũng chưa có quy định về kiểm định chất lượng các loại cao “trôi nổi” nói chung và cao ngựa nói riêng. Ông Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết: Ngoài một vài doanh nghiệp đã đăng ký chất lượng và chịu trách nhiệm với Bộ Y tế, còn ở ngoài thị trường thì chúng tôi chưa nắm được. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Thanh tra Y tế.

 

Nói về trách nhiệm của đơn vị mình, ông Trần Quang Trung - Chánh thanh tra Bộ Y tế khẳng định, “qua thanh tra cho thấy có một số sản phẩm cao ngựa khi lưu hành trên thị trường không đảm bảo tiêu chuẩn đã đăng ký như: sản phẩm ghi nội dung không đủ… nhất là hóa đơn bán hàng không ghi rõ loại xương ngựa gì, trong khi cơ sở, công ty sai phạm lại có nhiều sản phẩm khác nhau bán với giá “cắt cổ” trên 2 triệu đồng/lạng. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…và công bố danh sách các sản phẩm, đơn vị vi phạm, không đạt tiêu chuẩn để người dân biết”.

 

Dùng đúng liều lượng mới có tác dụng!

PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: “Cao ngựa là một loại thực phẩm chức năng, mọi người đều có thể dùng được, đặc biệt tốt cho người suy dinh dưỡng, người thiếu canxi, người ốm. Những người bị bệnh gút hay thận vẫn có thể dùng cao xương ngựa theo liều lượng của bác sỹ chuyên môn. Theo Luật thực phẩm, các thực phẩm có tăng cường vi chất hay hỗ trợ phòng trị bệnh phải được các cơ quan chức năng nghiên cứu, cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn để lưu hành trên thị trường. 

Hiện chúng tôi chưa tiến hành thí nghiệm lâm sàng đối với sản phẩm cao xương ngựa. Người tiêu dùng tốt nhất là nên chọn lựa những sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn mác đăng ký và được cấp phép bởi Bộ Y tế và khi dùng thì cần tuân theo một liều lượng nhất định mới có tác dụng tích cực”. 

Nguyên Cường