1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiểm lâm Đắk Lắk xác định 2 cây “khủng” có nguồn gốc hợp lệ

(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã nhanh chóng kiểm tra, xác minh nguồn gốc của những gốc cây cổ thụ mà báo chí đã phản ánh thời gian qua. Kết quả, có 2 cây có nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ; 1 cây hồ sơ không đúng với thực tế.

2 cây có nguồn gốc đúng với hồ sơ

Chiều 6/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết đơn vị đã nhận được báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk về việc xác minh nguồn gốc của 3 cây cổ thụ đang bị tạm giữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế.


Hiện trường khai thác cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng.

Hiện trường khai thác cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng.

Trước đó, theo báo cáo số 203 ngày 5/4/2018 của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, 3 cây "khủng" được ông Kiều Văn Chương (SN 1986, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) nhận là chủ hàng.

Đồng thời, ông Chương cung cấp 3 bộ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc của 3 gốc cây này. Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã trình tiến hành xác minh về nguồn gốc cây cảnh và trình tự xác nhận lâm sản tại địa phương.

Theo đó, nguồn gốc lâm sản xe BKS 73C-02148 và rơ moóc BKS 73R – 00382 là cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng (ngụ xã Ea Pil, huyện M’Đrăk). Cây được UBND xã Ea Pil, Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk xác minh vào ngày 21/3 và được vận chuyển vào ngày 23/3.

Những cành cây đa sộp còn sót lại sau khi bứng cây
Những cành cây đa sộp còn sót lại sau khi bứng cây

Đối với cây cổ thụ trên xe BKS 73C-04605 và rơ móoc 73R-00201 chở cây đa sộp, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của ông Y Nô Byă (ngụ buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Cây này được UBND thị trấn Buôn Trấp, UBND huyện và Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra thực tế nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 22/3.

Phó Chủ tịch xã xác nhận cây nhưng... không đọc nội dung

Riêng đối với hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên xe BKS 73C-02880 gồm đơn vận chuyển, bản đăng ký khai thác, đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (ghi ngày 23/3/2018) của bà H’Yô Na Byă (ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng), hồ sơ được bà H’Phi La Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận ngày 23/3 và không có bất kỳ chữ ký nào của Kiểm lâm địa bàn.

1 trong 3 cây quái thú có hồ sơ không hợp lệ (ảnh: Đại Dương)
1 trong 3 cây "quái thú" có hồ sơ không hợp lệ (ảnh: Đại Dương)

Tại buổi làm việc cùng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng vào ngày 5/4, bà H’Yô Na Byã cho rằng bà không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào và khẳng định trên vườn rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp nào.

Liên quan đến việc ký xác nhận vào hồ sơ khai thác cây, tại buổi làm việc bà H’Phi La Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ thừa nhận chữ ký là của mình nhưng bà lý giải do giải quyết hồ sơ hàng ngày cho dân nhiều nên không đọc hết nội dung các đơn và do một phần chủ quan đã ký xác nhận đơn khai thác, vận chuyển cây ngày 23/3/2018.

Qua đó xác nhận, hồ sơ nguồn gốc lâm sản xe biển số 73C-02880 là không đúng với thực tế.

Chia sẻ thêm về hướng xử lý vụ việc, ông Đỗ Quang Tùng cho rằng: “Với 2 cây đa sộp có hồ sơ hợp lệ sẽ được cơ quan chức năng cho tiếp tục hành trình, còn 1 cây ở xã Ea Hồ sẽ yêu cầu chính quyền địa phương xử theo quy định pháp luật”.

Thúy Diễm - Đại Dương