1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn

(Dân trí) - Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tại khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Hội thi đấu võ thuật cổ truyền được đông đảo người dân và du khách chờ đời.

Mãi 20 giờ tối mùng 3 tết Nhâm Thìn, Hội thi đấu võ cổ truyền liên tỉnh huyện Tây Sơn mới diễn ra chính thức, nhưng ngay từ chiều tối hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã tập trung chật ních khu vực quanh võ đài trong khuôn viên Sân vận động Tây Sơn.

Năm nay, võ đài đầu xuân Nhâm Thìn của huyện Tây Sơn được tổ chức trong ba đêm mùng 4, 5 và 6 Tết, với hơn 50 VĐV tham gia. Trong đó, có nhiều võ sĩ xuất sắc của đội tuyển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và các võ đường các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh… Nhưng đông nhất vẫn là đội chủ nhà Tây Sơn với 8 võ đường tham gia.
 
Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn - 1
Ra đòn "hiểm"

Trong đêm thi đấu khai mạc đầu tiên có 7 cặp ở nhiều hạng cân tham gia. Khán giả kéo về võ đài ngày một nhiều, tiếng vỗ tay, gieo hò, mỗi khi các cặp lên thi đấu khiến không khí ngày hội càng thêm phần náo nhiệt.

Càng về khuya, trời càng lạnh tưởng như làm mất đi hứng khởi của các võ sĩ thi đấu trên khán đài, nhưng trái lại sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả khiến cho các võ sĩ thi đấu càng nhiệt tình và đưa ra những đòn đánh đẹp. Những trận mưa pháo tay như hâm nóng bầu không khí của đêm hội, xua tan đi cái se lạnh của đêm về khuya.

Được biết, hội thi đấu võ đài có từ xưa nhưng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, các trận đấu võ thường được tổ chức vào các hội xuân đầu năm mới để nói lên tinh thần thượng võ của người xưa.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các trận đấu chỉ đánh tay không, chứ không dùng găng tay như bây giờ. Các đấu thủ khi đăng đài sẽ dùng mọi đòn thế có thể để hạ gục đối phương. Do tính đối kháng cao như vậy, nên mỗi khi lên võ đài, Ban Tổ chức đều để sẵn ít nhất ba chiếc hòm ở bên dưới.

Ngày nay, các trận đấu võ đầu xuân mới được tổ chức giống như thi đấu quyền Anh. Các võ sĩ khi lên đài thi đấu phải đeo găng, mặc áo và đội nón bảo hộ để tránh những sát thương vùng nguy hiểm. Mặc dù tính sát thương không còn như trước, nhưng mỗi đòn thế tung ra trên sàn đài đòi hỏi mỗi võ sĩ phải đổ công rèn luyện và luôn thể hiện tinh thần thượng võ thần tốc của con người Bình Định.

Vì thế mà Hội thi đấu võ cổ truyền đầu năm tại Tây Sơn mảnh đất linh thiêng của anh em nhà Tây Sơn tam kiệt vẫn giữ nguyên giá trị, độc đáo và hấp dẫn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Tây Sơn cho biết: “Võ cổ truyền là một trong những nét tinh hoa văn hóa độc đáo nhất của địa phương chúng tôi. Hằng năm cứ vào dịp xuân về tết đến, du khách khắp nơi lại nô nức kéo về vùng đất địa linh nhân kiệt Tây Sơn để thưởng thức nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc.
 
Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn - 2
Võ sĩ chuẩn bị lên đài thi đấu
 
Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn - 3
Đòn thăm dò đối thủ

Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn - 4
Ra đòn quyết định

Kịch tính những màn đấu võ cổ truyền Tây Sơn - 5
Hàng ngàn người dân, du khách tới xem thi đấu võ
Doãn Công

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm