1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Kịch tính cuộc tranh tài của “kỵ sĩ chân đất” trên Gò Thì Thùng

(Dân trí) - Những nông dân quanh năm bám ruộng, bám nương trở thành những “kỵ sĩ” rạp mình trên lưng ngựa trong tiếng vỗ tay cổ vũ và sự thán phục của mọi người...

Sáng 8/2 (mùng 9 Tết), hàng ngàn người dân và du khách gần xa nô nức đổ về Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) để cổ vũ cho những “kỵ sĩ” chân đất đua ngựa truyền thống đầu năm.

Hàng ngàn người dân và du khách đến xem Hội đua ngựa Gò Thì Thùng
Hàng ngàn người dân và du khách đến xem Hội đua ngựa Gò Thì Thùng

Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, buổi sáng vẫn còn chút không khí lành lạnh lẫn trong những tia nắng xuân ấm áp càng làm tăng thêm không khí của lễ hội. Từ mờ sáng, khi sương sớm còn giăng trên khắp nẻo, người dân trong vùng đã í ới gọi nhau đến Hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng. Trên con đường liên xã đã được trải nhựa, bê tông nối với đường ĐT 641 lên huyện Đồng Xuân, từ cầu Cây Cam từng đoàn người đi xe máy từ các xã lân cận hướng về xã An Xuân, thỉnh thoảng có cả xe du lịch chở khách đi xem đua ngựa. Ông Lê Ngọc Tài, một khán giả đến từ xã An Dân (Tuy An) vui vẻ nói: “Mấy năm gần đây, hội đua ngựa năm nào tôi cũng có mặt. Rất vui vì địa phương mình còn giữ được một lễ hội văn hóa truyền thống, gắn với địa chỉ đỏ cách mạng Gò Thì Thùng”.

Đúng 8h30, đoàn ngựa tiến vào “trường đua” trong nét mặt hân hoan pha chút hồi hộp của những “kỵ sĩ nông dân” giữa tiếng vỗ tay, reo hò của hàng ngàn khán giả. Sau tiếng trống khai hội, đoàn ngựa phi nước kiệu một vòng diễu quanh đường đua như ra mắt chào khán giả trong ngày đầu năm mới. Và cuộc đua chính thức bắt đầu. Những chú ngựa quanh năm nhọc nhằn kéo xe, thồ hàng có một ngày trở thành “kỵ mã” tung vó trong tiếng reo hò cổ vũ. Những nông dân quanh năm bám ruộng, bám nương trở thành những “kỵ sĩ” rạp mình trên lưng ngựa trong tiếng vỗ tay cổ vũ và sự thán phục của mọi người. Tiếng trống hội giục giã, tiếng reo hò càng to hơn trong tiếng vó ngựa phi nước đại, tung bụi mù. Có những “kỵ sĩ” không cẩn thận bị đánh văng khỏi lưng ngựa ra ngoài đường đua như chơi.

Hội đua ngựa năm nay có 32 “kỵ mã” và “kỵ sĩ” đến từ 6 đội các xã An Hiệp, An Thọ, An Lĩnh, An Cư, chủ nhà An Xuân (Tuy An) và huyện Đông Hòa (khách mời) tham gia tranh tài. Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một trong những lễ hội độc đáo của Phú Yên và vùng Duyên hải miền Trung.

Mỗi chặng đua có 4 ngựa tranh tài (8 lượt đua vòng loại), chọn ngựa về nhất mỗi lượt vào vòng bán kết. Kết quả, ngựa số 4 và “kỵ sĩ” Lê Văn Thu đến từ xã An Hiệp giành giải nhất đầy thuyết phục. Đây là lần thứ hai liên tiếp Lê Văn Thu và chú ngựa của mình đoạt chức vô địch Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng.
Phần thưởng cho người và ngựa về nhất là một khoản tiền mang nhiều tính tượng trưng, động viên khích lệ, nhưng ai cũng vui vì được tham gia lễ hội. Và có một phần thưởng lớn hơn đó là được thi thố tài nghệ, được mọi người vỗ tay, reo hò tán thưởng hay đôi khi chỉ là một đóa hoa, một cái cười duyên của những thiếu nữ đi xem hội…

Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, Phạm Ngọc Thanh cho biết: “Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng là lễ hội quy mô cấp tỉnh, là một trong bốn lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn huyện. Hội đua năm nay xét về quy mô lẫn chất lượng đều có sự phát triển. Chất lượng ngựa đua đều nhau; công tác an ninh trật tự, hậu cần được đảm bảo; khán giả đến xem hội cũng đông hơn”.

xuất phát
Xuất phát
Kịch tính
Kịch tính
 Một “kỵ sĩ” bị ngã ngựa sau vòng xuất phát
 Một “kỵ sĩ” bị ngã ngựa sau vòng xuất phát
Về đích
Về đích
Nhà vô địch Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một “kỵ sĩ nông dân”
Nhà vô địch Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là một “kỵ sĩ nông dân”

                                                                                                Sơn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm