1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kịch bản rửa tiền của Trịnh Nguyên Thủy

Đến thời điểm này nhiều người vẫn băn khoăn về việc ông trùm đã đầu tư vào trang trại Sơn Thủy như thế nào, việc kinh doanh nhà hàng đã mang lại lợi nhuận cho Trịnh Nguyên Thủy ra sao. Ít người biết rằng, ông trùm đã nuôi mộng biến Sơn Thủy thành một trung tâm thể thao giải trí tư nhân số 1 của Hà Nội.

Trang trại Sơn Thủy: Một mũi tên trúng nhiều đích

 

Thực ra khi quyết định mua đứt hồ câu Anh Sơn (năm 2000) của Nguyễn Viết Hoan (trú tại Mễ Trì Thượng – xã Mễ Trì, hiện nay là Giám đốc Cty cổ phần PTNN Sơn Thủy), ông trùm đặt ra nhiều mục tiêu.

 

Vào thời điểm năm 2000, Trịnh Nguyên Thủy không còn giữ vị trí “ông vua không ngai” trong làng buôn nha phiến. Bù lại, Thủy có khối tài sản khổng lồ và kinh nghiệm đáng kể trong làm ăn. Việc đầu tư xây dựng nhà hàng Sơn Thủy là cơ hội rất tốt để Thủy “rửa” những đồng tiền phi pháp. Ngay khi nghe đối tác rao giá : Hai trăm ngàn đô. Thủy đã không chút suy nghĩ và quyết: Không đô, điếc gì hết, cứ tính hai tỷ cho chẵn!

 

Số tiền này Thủy cưa đôi, nhưng đối tác không được rút ra mà phải đóng góp làm ăn. Vào lúc đó, với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm thương trường sẵn có, Thủy thừa sức để đầu tư một nhà hàng kiểu Sơn Thủy ra tấm ra món mà không cần bất cứ sự hợp tác nào. 

Vậy nhưng Thủy đã lợi dụng được Hoan bằng việc giao cho Hoan đặc trách đối ngoại (lo thủ tục đất đai, lập dự án khuyến nông, đăng ký kinh doanh, nộp thuế…). Còn Thủy rất hiếm khi xuất đầu lộ diện.

 

Mục tiêu xa hơn, Thủy muốn bảo lưu và không ngừng phát triển số tiền đang có và rửa sạch đôi tay đã nhúng chàm của mình. Nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng rằng Thủy ném tiền qua cửa sổ.

 

Nhưng không, trước khi mua đứt trang trại, ông trùm đã nghiên cứu kỹ quy hoạch khu đất. Chỉ khi biết chắc khu hồ câu Anh Sơn nằm trong quy hoạch một khu công viên giải trí lớn của Hà Nội, Thủy mới quyết chi tiền.

 

Mục tiêu và lộ trình của Thủy là từng bước xây dựng một trang trại sinh thái thật hoàn hảo. Bước tiếp theo, Thủy sẽ hợp thức hóa diện tích đất đai 44.000m2.

 

Để đón đầu khi Nhà nước quyết định xây dựng công viên, thì với tiềm lực kinh tế và cơ sở vật chất sẵn có, Thủy nghiễm nhiên sẽ trở thành một cổ đông lớn của công viên. Đồng tiền “đen” của Thủy như thế sẽ được rửa sạch qua một quy trình quả thật rất hoàn hảo.

 

Nhưng, đột ngột cuối năm 2004, Nhà nước quyết định chuyển địa điểm xây dựng trung tâm Hội nghị Quốc gia về Mễ Trì (khi đó trang trại của Thủy đang tọa lạc) là việc nằm ngoài kịch bản của Thủy. Và kịch bản này đã bị đổ.

 

Nhà hàng Sơn Thủy - Con gà đẻ trứng vàng

 

Nếu như hồ câu Anh Sơn vào năm 2000 có doanh thu 20 – 30 triệu đồng/tháng, thì chỉ sau 3 năm dưới bàn tay của Thủy, nhà hàng Sơn Thủy đã đạt doanh thu gấp 100 lần.

 

Để đạt được điều này Thủy đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng khu nhà hàng nổi, nhà ăn riêng lẻ, hội trường, đường sá, cải tạo ao hồ. Doanh thu của nhà hàng Sơn Thủy tăng đến chóng mặt.

 

Nếu như năm 2001– 2002 nhà hàng Sơn Thủy trung bình đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng, lợi nhuận khoảng 50- 70 triệu đồng/tháng, thì đến năm 2003, doanh thu của nhà hàng này lên đến 1,5 – 2 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được cả trăm triệu đồng/tháng.

 

Doanh thu này được duy trì cho đến những ngày trước khi trang trại Sơn Thủy bị giải tỏa cuối tháng 5/2005. Tuy nhiên, theo một số nhân vật thân tín với Thủy thì doanh thu và lợi nhuận thực của nhà hàng Sơn Thủy có thể còn cao hơn nhiều.

 

Ví như, nếu đúng nhân vật N.H.H là “nhà cung cấp” rượu rởm chính cho  nhà hàng Sơn Thủy thì lợi nhuận của nhà hàng thật khó tính được là bao nhiêu. 

 

Có thông tin N.H.H đã gặp gỡ Trịnh Nguyên Thủy nhiều lần ngay tại nhà hàng Sơn Thủy. Và để cung ứng những chai rượu ngoại “rởm”… N.H.H còn liều lĩnh gửi thứ hàng này ngay tại nhà một cán bộ “có hàm”(?).

 

Một thứ lợi nhuận nữa cũng khó có thể tính được đó chính là việc nhà hàng của Thủy là nơi tiếp đón nhiều quan khách “miễn phí”. Có tháng, số tiền ông trùm tiếp khách tại nhà hàng lên đến 100 triệu đồng. Dù phải chi “mạnh tay” nhưng ông trùm cũng thu được những món lãi “siêu lợi nhuận”.

 

Trong rất nhiều văn bản gửi đến cơ quan chức năng Cty CPPTNN Sơn Thủy luôn tự hào: Nhà hàng đóng góp cho ngân sách rất nhiều. Cụ thể, theo hóa đơn nộp thuế còn lưu lại thì, từ chỗ mỗi tháng nhà hàng đóng góp cho ngân sách 10 triệu đồng, đến trước thời điểm bị thu hồi nhà hàng vẫn đóng thuế trên 70 triệu đồng/tháng.

 

Hơn nữa Thủy cũng tự hào là đã giải quyết cho gần 200 lao động địa phương. Với quy mô lớn như vậy, Thủy luôn khoe rằng nhà hàng của mình lớn nhất đất Hà thành.

 

Không dừng lại ở đây, Trịnh Nguyên Thủy còn tham vọng “vươn” lên trở thành một đại gia sạch sẽ thực thụ.

 

Tháng 4/2004 (khi chưa có quyết định thu hồi đất trang trại Sơn Thủy), Thủy đã có công văn gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, xin làm chủ đầu tư Dự án công viên sinh thái, du lịch, thể dục, thể thao và dịch vụ tổng hợp thuộc xã Mễ Trì (bên cạnh đường Láng – Hòa Lạc) với diện tích 27 ha.

 

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, để triển khai dự án này, chắc Thủy phải có hàng trăm tỷ đồng trong tay. Cùng với việc xin làm dự án, trong năm 2004 Cty CPPTNN Sơn Thủy có 3 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, trong đó có 2 lần bổ sung ngành nghề kinh doanh.

 

Lần thứ nhất bổ sung thêm ngành nghề: Dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe. Lần thứ hai bổ sung ngành kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Thủy đã chuẩn bị chu đáo cho một giai đoạn làm ăn mới.

 

Nhưng luật nhân - quả ở đời và luật pháp không cho phép ông trùm rửa sạch được những đồng tiền “đen” và đôi tay đã nhúng chàm.

 

Theo Tiền phong