Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khí tượng thuỷ văn
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, năng lực của ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam đã có bước nâng cao, thể hiện ở việc Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chọn Việt Nam làm Trung tâm dự báo hỗ trợ khu vực Đông Nam Á về bão, mưa lớn, gió mạnh và dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ sang lũ, lũ quét.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới vừa diễn ra, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino yếu sẽ duy trì đến hết năm 2019 và tác động theo chiều hướng nắng nóng, ít mưa, ít bão nhưng bất thường và có khả năng xuất hiện bão mạnh.
Dự kiến, mùa bão năm 2019 có xu hướng muộn hơn trung bình nhiều năm; trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhiều khả năng tập trung ở Trung Bộ.
Ngoài ra, các khu vực trên cả nước có nền nhiệt cao hơn so với bình thường trong các năm. Nắng nóng xuất hiện theo nhiều đợt ngắn ngày ở bắc Bộ, kéo dài hơn ở Trung Bộ. Lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ xấp xỉ hoặc cao hơn vào đầu mùa nhưng thiếu hụt khoảng 20% vào cuối mùa. Riêng khu vực Tây Nguyên có khả năng thiếu hụt mưa vào các tháng cuối mùa.
Hạn hán có nguy cơ cao xuất hiện ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong mùa khô 2019 - 2020 nếu không có giải pháp thích hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, năm 2018 đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn khi Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổng cục Khí tượng thuỷ văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước toàn diện các hoạt động khí tượng thuỷ văn. Trong đó điển hình là việc dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao đối với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 23 đợt không khí lạnh, 30 đợt mưa lớn và 11 đợt nắng nóng trên diện rộng, 5 đợt lũ lớn lịch sử cùng hàng chục đợt lũ quét, sạt lở đất.
Lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo ông Thành, năng lực của ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam đã có bước nâng cao, thể hiện ở việc Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chọn Việt Nam làm Trung tâm dự báo hỗ trợ khu vực Đông Nam Á về bão, mưa lớn, gió mạnh và dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ sang lũ, lũ quét.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn, theo ông Thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị một số giải pháp lớn. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là tăng cường khai thác sử dụng hiệu quả thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn trong phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tổng cục Khí tượng thuỷ văn có trách nhiệm huy động mọi nguồn lực, tìm các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao độ tin cậy, tính kịp thời của bản tin dự báo, cảnh báo.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, hệ thống thông tin, dữ liệu và công nghệ dự báo, như: xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khí tượng thuỷ văn, khuyến khích sử dụng các thiết bị “Made in Việt Nam”.
Đồng thời ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại nhằm biến thông tin trong lĩnh vực này thực sự trở thành một phần của cơ sở hạ tầng, là tài nguyên số thông tin, dữ liệu cung cấp “đầu vào” toàn diện cho các ngành,lĩnh vực kinh tế - xã hội và phục vụ phòng chống thiên tai.
T.K