Bình Dương:
Khủng hoảng vì “kiếp nạn” bọ đen
(Dân trí) - Cao điểm từ đầu tháng 9 đến nay, bọ đen xuất hiện dày đặc, bám đen trần nhà ở hai huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng (Bình Dương). Thuốc xịt không chết, chúng len lỏi vào từng ngóc ngách, rơi đầy vào cơm, canh, vật dụng… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Tại xã Tân Thành, huyện Tân Uyên bọ đen xuất hiện nhiều nhất. Chúng sống tập trung trên nóc nhà. Chị Nguyễn Thị Tươi, ấp 4, Tân Thành cho biết: “Bọ nhiều vô kể, bám đen trần nhà. Rơi vào người rất ngứa, mùi hôi rất khó chịu. Khổ nhất là vào bữa ăn, chúng rớt vào cơm, canh là phải đổ, chứ không thể ăn nổi”.
Lượng bọ đen xuất hiện quá dày đặc, khiến người dân luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Anh Phạm Ngọc Thành, ấp 1, xã Tân Mỹ, than thở: “Loại này, thuốc xịt muỗi diệt không chết. Phải thường xuyên thu gom lại thành đống rồi đốt. Xểnh ra, chúng bò vào đồ ăn, coi như đổ bỏ. Mọi thứ trong nhà phải đậy kín, quần áo phải giũ kĩ mới dám mặc”.
Không chỉ ở nhà dân, mà các trường học cũng có rất nhiều bọ đen, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của thầy trò. Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường Tiểu học xã Hội Nghĩa, Tân Uyên kêu: “Bọ đen rớt lộp độp vào cả thầy lẫn trò. Từ quần áo, tóc và sách vở… đều bám mùi hôi rất khó chịu, nhức đầu”.
Trần phòng học của Trường Tiểu học xã Hội Nghĩa bọ đen bám từng mảng.
Nhiều em học sinh bị bọ đen rớt vào người, lấy tay bắt nên bị đỏ và ngứa ở những vùng da đó. Nguy hiểm hơn cả là bị loài côn trùng này bò vào tai. Em Thái Văn Khang, học lớp 5, Trường Tiểu học xã Tân Lập, Tân Uyên kể: “Hôm qua, con bị bọ đen chui vào tai khi đang ngồi học. Đau quá, con phải móc, khều mãi, hơn nửa tiếng nó mới chịu ra. Con sợ quá!”
Thật ra, bọ đen xuất hiện nhiều từ cuối tháng 5, nhưng những ngày đầu tháng 9 này, càng lúc càng dày đặc hơn. Trước tình trạng đó, Phòng Giáo dục huyện Tân Uyên đã cấp kinh phí cho một số trường để thay dần mái lợp ngói bằng mái tôn, bởi số tiền phải bỏ ra mỗi lần phun thuốc diệt lên tới 10 triệu đồng.
Nạn bọ đen còn xuất hiện ở nhiều xã của huyện Dầu Tiếng như: Đinh Hiệp, Minh Hoà, Minh Tân và một số xã của huyện Bến Cát. Theo quan sát của người dân điạ phương thì bọ đen thường tập trung chủ yếu ở các trường học xa trung tâm huyện, những xã nghèo.
Anh Vũ Ngọc Bình, ấp 4, xã Tân Thành cho hay: “Theo quan sát hàng năm thì tôi thấy bọ đen xuất hiện nhiều ở những xã nghèo. Vì nơi đây có thể đất đai còn rộng, cây cối um tùm tạo điều kiện cho sự sinh sản và phát triển của loài côn trùng này”.
Thời gian qua, bọ đen đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân tỉnh Bình Dương. Được biết UBND tỉnh đã kí kết hợp đồng với viện Khoa học và ứng dụng, để nghiên cứu tìm ra chất diệt bọ đen. Kinh phí để diệt “kiếp nạn” này ước tính lên tới gần 300 triệu đồng.
An Hội