1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Khuất tất trong vụ cưỡng chế nhà dân tại Quy Nhơn

(Dân trí) - Từ một quyết định của UBND tỉnh Bình Định (cách đây 12 năm), TP Quy Nhơn đã thực hiện cưỡng chế một căn nhà và cô lập hoàn toàn hai hộ dân sống bên trong. 9 nhân khẩu trong hai hộ này chỉ còn một con đường duy nhất là dỡ mái tôn, trèo ra ngoài qua... mái các nhà lân cận!

Ngày 2/3/2006, TP Quy Nhơn đã thực hiện cưỡng chế căn nhà 197 đường Nguyễn Thái Học (thuộc khu vực 1, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) và cho xây tường bê tông ngăn đôi lô đất, bịt kín lối đi, cắt điện, cắt nước, cắt dây điện thoại khiến hai hộ dân sống bên trong bị cô lập hoàn toàn.

Việc khiếu kiện đòi chủ quyền căn nhà này kéo dài đã 17 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết bởi hàng loạt khuất tất được bắt đầu từ một quyết định thiếu căn cứ pháp luật của chính quyền tỉnh Bình Định.

Từ vụ kiện đòi nhà sau 20 năm...

Theo đơn cầu cứu của ông Đặng Đình Thành gửi báo Dân trí, hiện nay gia đình cha ruột và em gái ông, đều có địa chỉ thường trú tại căn nhà 197 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn đang lâm vào cảnh nhà tan cửa nát bởi những quyết định không thấu tình đạt lý của UBND tỉnh Bình Định.

Cha mẹ ông Thành là 2 cụ Đặng Đình Minh và Nguyễn Thị Nầy đã mua căn nhà 197 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn trên lô đất 114 khoảnh E của ông Nguyễn Thăng Long từ năm 1972.

Các giấy tờ mua bán nhà đất đều đủ thủ tục hợp lệ của chính quyền cũ. Từ đó tới nay, cụ Minh và gia đình vẫn tiếp tục sinh sống trên mảnh đất này và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Khuất tất trong vụ cưỡng chế nhà dân tại Quy Nhơn - 1
  

Lối vào bị bịt kín, phóng viên cùng
chị Đặng Thị Mỹ phải trèo qua mái
ngói nhà hàng xóm để vào thực địa.

Đến năm 1989, ông Phạm Huy Hoàng, đại diện cho cha là Phạm Bảo “bỗng dưng” đâm đơn kiện cho rằng trong lô đất 114 khoảnh E cụ Minh đang ở có ngôi nhà của ông ta đã bỏ đi không ở từ 20 năm trước, nay kiện để đòi lại.

Việc khiếu nại của ông Hoàng đối với gia đình cụ Đặng Đình Minh đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết từ hơn 15 năm qua, với rất nhiều văn bản của các cơ quan liên quan.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 2 ngày 18/1/1989 của TAND TP Quy Nhơn và bản án phúc thẩm số 45/DS ngày 13/6/1989 của TAND tỉnh Nghĩa Bình đã tuyên buộc cụ Minh trao trả lại phần nền nhà chiều ngang 6 mét, chiều dài 14 mét cho ông Phạm Huy Hoàng.

Không đồng tình với phán quyết thiếu căn cứ này, gia đình cụ Minh đã có đơn kêu cứu khắp nơi và sau khi bản án bị kháng nghị, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, giao vụ việc cho cơ quan hành chính giải quyết theo Luật Đất đai: “Khu đất đang tranh chấp là đất công, chính quyền cũ chưa cấp hoặc bán cho bất kỳ cá nhân nào. Sau khi miền Nam giải phóng, chính quyền địa phương cũng chưa giao lô đất này cho ai. Do đó án sơ thẩm và phúc thẩm xử trả lại nhà, đất cho ông Hoàng là không đúng thẩm quyền”.

Và 2 Quyết định về nhà, đất cho ông Phạm Huy Hoàng chỉ trong... 1 ngày

Sau khi TAND Tối cao chuyển giao vụ việc cho cơ quan hành chính giải quyết, không hiểu bằng con đường nào, hồ sơ vụ án đã được chuyển đến UBND tỉnh Bình Định xử lý.

Mặc dù những dẫn chứng phân tích tại bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao khẳng định phần đất đang tranh chấp là đất công và ông Bảo không hề ở tại khu đất này từ 20 năm nay, giấy tờ mua bán của ông Bảo chỉ là giấy tờ mua bán nhà tranh... Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định đã vội vàng ra quyết định trái ngược hoàn toàn với tinh thần bản án của Tòa.

Ngày 30/6/1994, ông Bùi Trần Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lúc bấy giờ, đã ra quyết định số 2513/QĐ-UB với nội dung: “Ông Đặng Đình Thành phải tháo dỡ phần nhà tạm mà ông xây dựng trên lô đất có nhà số 197 đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn trả lại nền nhà cùng quyền sử dụng lô đất có nhà số 197 Nguyễn Thái Học trước đấy, cho ông Phạm Bảo đã có quyền sử dụng hợp pháp”.

Như vậy, mặc dù lô đất này đã được khẳng định là đất công, ông Phạm Bảo chưa hề đến sinh sống tại đây từ sau ngày giải phóng nhưng không hiểu vì sao UBND tỉnh Bình Định lại kết luận “ông Phạm Bảo đã có quyền sử dụng hợp pháp”?

Ngược lại, gia đình cụ Đặng Đình Minh với 2 hộ, 9 nhân khẩu đã đăng ký thường trú và sinh sống trên mảnh đất này từ trước giải phóng, nộp thuế đầy đủ lại không được hưởng quyền sử dụng mảnh đất hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai!

Lục tìm lại hồ sơ vụ khiếu kiện, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn về sự ưu ái quá mức của ông Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định, Bùi Trần Hà khi trong cùng ngày 30/6/1994 đã liên tiếp ký 2 quyết định về đất đai, nhà ở cho ông Phạm Huy Hoàng.

Ngoài Quyết định số 2513/QĐ-UB đã dẫn ở trên, trong cùng ngày ông Hà đã ký quyết định 3841/QĐ-UB hóa giá bán nhà tập thể diện tích 27,86m2 tại Công ty vận tải hành khách cho ông Phạm Huy Hoàng với giá tiền chỉ có 5.793.715 đồng.

Với 2 quyết định này, chỉ trong vòng một ngày ông Hoàng đã được quyền sở hữu 1 căn hộ và sử dụng 1 lô đất cụ Đặng Đình Minh đang ở. Mặc dù đây là 2 quyết định hoàn toàn khác nhau nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ về tính khách quan của vị nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khi liên tiếp đặt bút ký ban hành những quyết định nói trên.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng bị phớt lờ

Sau khi UBND tỉnh Bình Định ra quyết định 2513/QĐ-UB chuẩn bị cưỡng chế thu hồi lô đất 197 Nguyễn Thái Học giao cho ông Phạm Huy Hoàng, gia đình cụ Đặng Đình Minh hết sức bất ngờ và tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi các cấp trung ương và địa phương.

Ngày 11/9/1997, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4522/NC giao cho Tổng cục Địa chính phối hợp với Thanh tra Nhà nước để hướng dẫn UBND tỉnh Bình Định thực hiện đúng pháp luật khiếu nại tố cáo về đất đai.

Tổng cục Địa chính, nhận nhiệm vụ của Thủ tướng, đã vào Bình Định phối hợp với các ngành và địa phương để điều tra, xác minh cụ thể, giải quyết tận gốc vụ việc.

Ngày 27/9/1997, Tổng cục Địa chính có công văn số 1638/CV-ĐC kết luận: “1/Việc ông Phạm Bảo đòi lại đất là không có căn cứ pháp luật. 2/Ông Đặng Đình Minh đã ở ổn định trên lô đất này từ năm 1972. 3/Căn cứ vào Luật Đất đai, đề nghị UBND tỉnh Bình Định giải quyết cho ông Đặng Đình Minh tiếp tục sử dụng phần diện tích đang tranh chấp để làm nhà ở.”

Với phán quyết của TAND Tối cao và công văn của Tổng cục Địa chính, dù người dân kém hiểu biết về Luật Đất đai cũng có thể hiểu rằng, việc thu hồi đất đang ở ổn định của gia đình ông Minh là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng với các quy định của pháp luật về đất đai.

Mặt khác, lô đất 197 Nguyễn Thái Học đang có 2 hộ với 9 nhân khẩu trong gia đình cụ Minh sinh sống, điều kiện sinh hoạt rất chật chội. Vì vậy, việc UBND tỉnh Bình Định ra quyết định số 2513/QĐ-UB thu hồi lô đất có diện tích 14m x 6m vừa chưa đạt lý, vừa không thấu tình.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định đã không tiếp thu những nội dung đã được Tổng cục Địa chính và TAND Tối cao kết luận như trên mà vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm ủng hộ ông Phạm Huy Hoàng do đã “trót” ban hành quyết định 2513/QĐ-UB.

Ngày 26/12/1997, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Tổng cục Địa chính lý sự: “Nếu không thống nhất với quyết định của UBND tỉnh thì Tổng cục Địa chính ra quyết định giải quyết để có cơ sở thực hiện”.

Do UBND tỉnh không thực hiện nên ngày 7/1/2000, Tổng cục Địa chính tiếp tục có văn bản số 33/2000/CV-ĐC-TTr trình Thủ tướng Chính phủ: “Căn cứ vào điểm a, c Điều 38 Luật Đất đai 1993, điểm 8 Thông tư 842/TTNN của Thanh tra Nhà nước thì việc Tổng cục Địa chính ra các văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết lại vụ việc là đúng với các quy định của pháp luật. Cho tới nay, Tổng cục Địa chính không có ý kiến gì khác với ý kiến đã nêu trong các văn bản của Tổng cục Địa chính đã nêu ở trên”.

Ngày 15/6/2000, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2410/VPCPVII truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: “Đồng ý với ý kiến của Tổng cục Địa chính tại công văn số 33/2000/CV-ĐC-TTr về việc giải quyết khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất tại 197 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn giữa gia đình cụ Đặng Đình Minh và ông Phạm Bảo.

Giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trên cở sở hướng dẫn của Tổng cục Địa chính tại công văn số 1638/CV-ĐC có quyết định giải quyết khiếu nại trên phù hợp với chính sách pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cho công dân”.

Tại văn bản này, ông Mai Ái Trực, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có bút phê: “Giao cho Sở Địa chính tỉnh ra quyết định giải quyết trả lại nhà đất bị cưỡng chế cho cụ Đặng Đình Minh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn”.

Thế nhưng, sau khi ông Mai Ái Trực ra Hà Nội nhận công tác khác thì ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã không được UBND tỉnh Bình Định thực hiện.

Ngày 23/12/2005, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đình Thanh đã ban hành quyết định 4548/QĐ-CTUBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định 2531/QĐ-UB (cách đây 12 năm) tổ chức cưỡng chế lần thứ 2 đối với lô đất 197 Nguyễn Thái Học để giao đất cho ông Phạm Huy Hoàng.

Thực hiện quyết định này, cơ quan chức năng đã giúp ông Phạm Huy Hoàng xây bịt kín lối đi bằng bê tông cốt thép, cắt điện, nước... khiến cho gia đình cụ Minh rơi vào cảnh khốn cùng: không thể sinh hoạt được ngay trong chính ngôi nhà của mình (vì không điện, không nước) họ cũng không thể vào ra được ngôi nhà vì lối đi đã bị xây kín.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến của vụ việc được coi là “kỳ án” này.

Trần Đức