Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma những ngày tháng ba lịch sử
(Dân trí) - Đó là nơi khắc ghi, giáo dục thế hệ trẻ về sự kiện bi hùng ngày 14/3/1988 khi quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo chìm Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, cưỡng chiếm trái phép đảo này.
Vòng tròn bất tử của lính hải quân...
Một buổi chiều nắng oi giữa tháng 3 lịch sử, 230 học sinh lớp 10 của một trường THPT tại TP Nha Trang đã đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tọa lạc ở bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Dưới chân Khu tưởng niệm, các em học sinh xếp hàng ngay ngắn, dâng hoa, dâng hương trên đài tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma. Trong không khí trang nghiêm, một thuyết minh viên của Ban quản lý lâm thời Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giới thiệu với đoàn về sự kiện bi hùng diễn ra ngày 14/3/1988, khi quân Trung Quốc dùng vũ lực đổ bộ lên đảo chìm Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, cưỡng chiếm đảo này.
“Quân Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo và tiến về phía lá cờ Tổ quốc của chúng ta đang tung bay và giật cờ. Các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên đảo đã kiên cường chiến đấu giành lại cờ và giữ đảo, quyết tâm bảo vệ, tạo thành một vòng tròn bất tử để bảo vệ hải đảo của Tổ quốc” - lời nữ thuyết minh viên vang lên tại khu vực đài tưởng niệm.
Các học sinh chăm chú lắng nghe thuyết minh viên thuyết trình về sự kiện 14/3/1988 bi tráng
Khi đến thăm khu tưởng niệm, các em học sinh biết rằng, trong trận chiến ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam có 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh, 11 người bị trọng thương, 9 người bị quân địch bắt giam giữ, sau 3 năm mới được trả về quê hương.
Tại buổi dâng hương, thầy hiệu trưởng của trường THPT có học sinh đến viếng cho biết, trong những năm qua, mỗi dịp 14/3, nhà trường thường tổ chức cho học sinh khối 10 thăm, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
“Hàng năm, nhà trường có tổ chức tuần lễ biển đảo và đưa các em vào đây để cho các em biết về sự kiện Gạc Ma, giáo dục tinh thần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”, thầy hiệu trưởng cho biết.
Với các học sinh, chuyến đi thực tế không chỉ nắm bắt thêm kiến thức về lịch sử, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà còn bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Nơi đây trở thành nơi thăm viếng, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
2 năm, hàng vạn người thăm viếng khu tưởng niệm
Theo Ban quản lý lâm thời Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, sau lễ khánh thành và chính thức đi vào hoạt động (15/7/2017), đến nay, Khu tưởng niệm đã đón hơn 1.500 đoàn, với khoảng 80.000 lượt khách đến viếng, dâng hương. Trong đó, đoàn có số lượng nhiều nhất đến viếng là hơn 1.000 người của trường THPT Lê Quý Đôn, TP HCM.
Đến nay, đã có 9 đơn vị tổ chức lễ kết nạp Đảng viên, 19 đoàn tổ chức lễ kết nạp Đoàn viên, cùng nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử tại Khu tưởng niệm.
Ngoài ra, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lữ hành du lịch trong nước cũng đưa nhiều đoàn khách đến thăm, viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Tàu HQ 604 bị bắn chìm trong sự kiện 14/3/1988 được trưng bày tại bảo tàng ngầm Gạc Ma
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong sáng 14/3 năm nay. Liên đoàn lao động tỉnh sẽ tổ chức một lễ viếng tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Hiện nay, Ban quản lý Khu tưởng niệm đã cho tổ chức dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ các đoàn đến viếng.
Được biết, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, ở phía bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Khu tưởng niệm gồm nhiều hạng mục, gồm: cụm tượng đài những người nằm lại phía chân trời, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh, đường dành cho người khuyết tật…
Viết Hảo