Khu tái định cư “khát” điện, nước
(Dân trí) - Dự án di dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lũ tại các thôn ven sông Trường Giang, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tương đối hoàn thiện từ năm 2003. Nhưng khu tái định cư cho dân di cư thì đến nay vẫn vắng vẻ, dở dang, hoang tàn, không điện không nước...
Chờ 4 năm chưa thấy điện, nước
Dự án di dân - tái định cư tại xã Tam Phú do Chi cục phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, theo quyết định được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 22/12/2000, nhằm đảm bảo cho sự an toàn của các hộ dân vùng thiên tai uy hiếp. Đây là một chính sách kịp thời, được lòng dân nên rất được bà con ủng hộ. Phần lớn người dân đã di cư đến nơi mới, dựng nhà ở; nhưng một thời gian sau lại thấy họ về nơi cũ.
Anh Nguyễn Duy Lương, một người dân thuộc diện di cư, kể: “Mỗi nhà chúng tôi được cấp cho 500m2 đất tại nơi ở mới để dựng nhà và làm vườn. Mấy tháng đầu đông vui lắm. Nhưng chờ hoài không thấy có điện, nước sinh hoạt, không có nước sản xuất nên lại quay về nơi ở cũ. Chờ hoài 4 năm rồi vẫn thế”.
Khu tái định cư Ngọc Mỹ hiện tại, ngoài một vài căn nhà tương đối hoàn thiện có hàng chục căn nhà còn dở dang, trơ trọi bốn bức tường gạch và mấy giàn gỗ mục. “Chính quyền buộc dân phải về nơi ở mới, nếu không sẽ thu hồi đất. Thế nên mọi người cứ dựng tạm bốn bức tường gạch để giữ đất rồi về nơi cũ, chờ khi nào có điện, có nước mới chuyển đến hẳn”, anh Lương giải thích.
Giải thích cho sự trì trệ này, ông Nguyễn Đình Hồng, Phó Chi cục Phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết: “Theo sự phân bổ của tỉnh, nguồn điện sinh hoạt của khu tái định cư này phải trông chờ vào nguồn vốn ODA, không thể xin kế hoạch đầu tư từ ngân sách tỉnh được. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND tỉnh chỉ đạo Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục đầu tư nguồn vốn kịp thời để sớm có điện sinh hoạt cho bà con”.
Theo báo cáo của UBND xã Tam Phú, công trình điện sinh hoạt (kinh phí do Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư) đã được tiến hành (làm trụ, kéo dây điện) nhưng phải ngưng lại do hết vốn. UBND xã cũng đã có kiến nghị tỉnh chỉ đạo Khu kinh tế mở Chu Lai bổ sung vốn nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Được biết, nguồn vốn đổ vào các hạng mục ở khu tái định cư Ngọc Mỹ đã lên đến hàng chục tỷ đồng.
71 triệu đồng của dân về đâu?
Liên quan đến dự án di dân - tái định cư tại xã Tam Phú, nhiều người dân phản ảnh xã Tam Phú có 71 hộ dân di dời về khu tái định cư tập trung, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng (TƯ hỗ trợ 2 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng). Nhưng trên thực tế, mỗi hộ dân chỉ nhận được 2 triệu đồng. Một triệu còn lại, chính quyền xã vận động dân đóng góp để làm đường tại khu tái định cư.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thì kinh phí làm đường đã đưa vào một hạng mục riêng biệt với kinh phí lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, hơn 270 triệu đồng cho 1,5 km đường. Như vậy, 71 triệu đồng của dân thực chất được dùng vào việc gì?
Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tam Phú, thừa nhận chuyện vận động dân đóng góp 1 triệu đồng 1 hộ là có thật. Ông Lương giải thích: “Ban đầu chúng tôi huy động dân đóng góp để làm đường, khi đó nguồn kinh phí để làm đường chưa có. Về sau, 71 triệu đồng đó được dùng vào việc đền bù giải toả cho dân (30 triệu đồng). Còn hơn 40 triệu, chúng tôi đang gửi tại kho bạc, chờ khi khu tái định cư hoàn tất, dân về sinh sống, sẽ vận động dân cho dùng số tiền đó vào việc xây dựng nhà sinh hoạt chung”.
Sự thay đổi trong mục đích sử dụng khoản tiền này dân không hề biết. Trong khi hầu hết những người dân trong diện di dời kinh tế rất khó khăn; 3 triệu đồng tiền hỗ trợ không đủ để dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới.
Khánh Hiền