1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Khu kinh tế, làng nghề: nộp 1 đồng, chi 5 đồng khắc phục ô nhiễm

(Dân trí) – “Các làng nghề hàng năm chỉ xuất khẩu được 1 tỷ USD nhưng hậu quả để lại 5-10 năm sau rất nghiêm trọng. Nhiều nơi nộp được 1 đồng ngân sách thì phải bỏ ra 3-5 đồng để khắc phục hậu quả môi trường” - thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí phản ánh.

Khu kinh tế, làng nghề: nộp 1 đồng, chi 5 đồng khắc phục ô nhiễm - 1
Công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều hóa chất độc hại tại các làng nghề để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thảo luận về kết quả bước đầu chuyên đề giám sát việc bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế và làng nghề của đoàn giám sát của UB Thường vụ QH ngày 21/9, các bộ, ngành đều thống nhất đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức đáng báo động.

Theo đánh giá của đoàn giám sát sau khi thực tế tại 15 khu kinh tế và 48 làng nghề, việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường đang rất chậm ở hầu hết các khu kinh tế hiện nay. Với tốc độ phát triển của các khu kinh tế trong tương lai, nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến nêu con số khái quát: kinh phí cho bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế cao nhất như Hà Tĩnh trong năm 2009 cũng chỉ được 618 triệu đồng. Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà) năm 2009 chỉ chi 10 triệu đồng, năm 2010 chỉ chi 30 triệu đồng. Nhiều tỉnh còn không bố trí ngân sách.

Bộ TN&MT đã thanh tra và kết luận, từ 2009 đến nay, nhiều cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép (có nơi vượt 10 lần đến vài chục lần). Một số nơi, các cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới. Hầu hết các khu kinh tế đều không có trạm quan trắc không khí.
Khu kinh tế, làng nghề: nộp 1 đồng, chi 5 đồng khắc phục ô nhiễm - 2
Những doanh nghiệp vụ xả thải ra môi trường bị "bắt tận tay" ngày càng nhiều.

Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề còn nghiêm trọng hơn nữa. Bộ TN&MT đánh giá, ô nhiễm môi trường làng nghề khiến cảnh quan nông thôn bị phá vỡ. Đa số cơ sở sản xuất đều dùng công nghệ lạc hậu, thủ công, chắp vá và tiêu hao nhiên liệu. Với nếp sống tiểu nông chỉ quan tâm lợi ích trước mắt, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, hoá chất độc hại gây tác động lên sức khoẻ của người dân.

Trong khi đó, đánh giá hiệu quả kinh tế của khu vực sản xuất này, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí khái quát: tỷ trọng đóng góp của các làng nghề từ sản phẩm xuất khẩu chỉ thu được khoảng 1 tỷ USD nhưng hậu quả để lại sau 5 - 10 năm tới vô cùng nghiêm trọng.

Truy nguyên trách nhiệm, đoàn giám sát của UB Thường vụ nhận định, phần chính thuộc các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương lại đứng trước bài toán trải thảm đỏ mời gọi đầu tư (vào khu kinh tế) và phát triển nông thôn (ở các làng nghề). Vì vậy, việc thanh tra, giám sát hầu như không được làm chặt chẽ, rốt ráo, dẫn đến hậu quả khó lường.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí phản ánh, nhiều khu kinh tế, làng nghề nộp được 1 đồng ngân sách thì phải bỏ ra 3-5 đồng để khắc phục hậu quả môi trường. Ông Chí đề xuất, sau đợt giám sát này, Chính phủ nên chọn một số địa chỉ ô nhiễm nghiêm trọng để xử lý dứt điểm mới mong tạo chuyển biến rõ rệt.

Chuyên đề giám sát này sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 tới. Quốc hội sẽ dành hẳn một ngày để thảo luận tại hội trường và nội dung sẽ được truyền hình trực tiếp.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm