1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khu đô thị “trắng trường”, khổ đổ đầu dân

(Dân trí) - Những khu dân cư văn minh, hiện đại, dân trí và kiểu mẫu sống cùng nỗi khổ thiếu trường học cho con trẻ. Người có tiền không khó xoay nhưng con em vẫn vất vả còn dân tái định cư, điều kiện hạn chế thì chóng mặt, đau đầu với cuộc chạy đua trường lớp…

Con trẻ áp lực, gia đình “chạy đua”
 
Tháng 7/2009, Khu đô thị Linh Đàm được thành phố gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Bộ Xây dựng công nhận là KĐT kiểu mẫu với 4.000 căn nhà, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng. Đủ các tiêu chí được nêu ra nhưng toàn khu vực vẫn “trắng” trường bậc tiểu học, phổ thông.
 
Hộ gia đình phòng 508 CT3 có một cháu học tiểu học. Không có lựa chọn nào về trường lớp trong khu vực, phụ huynh nhắm hẳn trường có tiếng ở Hà Nội - trường Lê Quý Đôn. Học phí, tiền ăn, xe đưa đón… cộng các khoản là ngót 4 triệu đồng/tháng, một mức chi không mấy gia đình công nhân viên chức chịu được.
 
Khu đô thị “trắng trường”, khổ đổ đầu dân  - 1
Cả khu đô thị hàng trăm hecta, hàng chục nghìn dân vẫn khó kiếm chỗ học, chỗ chơi cho trẻ.
 
Nhưng chi nhiều không có nghĩa giải quyết được tất cả vấn đề. Trường Lê Quý Đôn ở khu Mỹ Đình, cách Linh Đàm hơn chục cây số. Hè cũng như đông, cậu bé 7 tuổi sáng nào cũng như cuộc đánh vật với bố mẹ từ 6h kém, vội vã chuẩn bị xuống đường chờ xe qua đón lúc 6h30 để đến trường, ngày nào cũng gần 2 tiếng đồng hồ bị quần trên xe. Gia đình cũng chẳng vì vậy mà an tâm hơn.
 
“Hôm Hà Nội mưa lụt năm ngoái, nửa ngày trời không biết được con đang ở đâu. Gọi điện cho cô giáo liên tục, quá 11h trưa mới được tin xe con vừa đến trường, tới nơi cũng sắp giờ tan học sáng mà chiều vẫn chưa biết cách nào về được nhà” - bà mẹ trẻ vừa kể vừa vuốt ngực như chuyện chỉ mới vừa xảy ra.
 
Nhà hàng xóm, phòng 507, chị Trịnh Thị Lan cho biết, điều kiện gia đình không khá giả nên đành lo xin học cho con ở 1 trường công lập nhưng cũng cách nhà hơn 5km. Chị Lan cũng mong ngóng trong khu dân cư mới có một ngôi trường để con trẻ đỡ vất vả, các gia đình đỡ lo lắng, áp lực, để đứa con sau của chị sắp vào tuổi đi học có một tuổi thơ đỡ phải “chạy đua” hơn.
 
Phận “học nhờ”
 
Phòng 608 Nơ 14A Khu đô thị mới Định Công có 2 “nhóc” đang học phổ thông, cô chị lớp 8, cậu em lớp 4. Chị học trường PTCS Khương Trung (trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), cậu em học trường tiểu học Khương Thượng (gần Ngã Tư Sở). Trường cách nhà hơn 6km nên 6h sáng hàng ngày cả 2 chị em phải tăng bo 1 chuyến xe ôm… của bố tới 2 trường khác nhau. Lượt về còn nan giải hơn.
 
“Hơn 3 năm nay, kể từ ngày về tái định cư, một ngày 4 ca vợ chồng tất bật đưa đón con đi học. Con lớn học tới gần 12h trưa, chiều lại tất tả đi học thêm. Em trưa về sớm hơn, lệch ca so với chị, đành đưa rước làm 2 lượt” - chị Phạm Bích Ngọc, mẹ 2 nhóc thở dài. Chị đang tính phương án để con lớn tự đạp xe đi học.
 
Nhưng theo chị Ngọc, trong cả khu nhà, gia đình mình vẫn còn dễ xoay vì cả 2 vợ chồng không làm nhà nước, chị buôn bán lặt vặt, chồng chạy xe ôm. Dù sao thời gian đón con vẫn còn du di, thu xếp được.
 
Khu đô thị “trắng trường”, khổ đổ đầu dân  - 2
Cả khu đô thị mới Định Công có duy nhất một trường học nhưng là trường tư, học phí rất cao.
 
Chị Nguyễn Hồng Phấn (phòng 806) cũng đang đau đầu vì việc học hành của cậu cả đang năm thứ 4 bậc tiểu học. Gia đình trẻ, cố vun vén mua lại căn hộ của khu nhà tái định cư này được 2 năm nay. Xoá được cảnh đi thuê nhà nhưng việc học hành của con lại vất vả.
 
Cả khu đô thị mới chỉ có 1 trường học duy nhất, đủ từ cấp I lên cấp III nhưng lại là trường dân lập, học phí rất cao. Chuyển trường giữa năm học lớp 2, thương con, anh chị cố thu vén, dè sẻn các khoản chi tiêu khác để cho con học trường gần nhà.
 
Tuy nhiên, năm nay, mức học phí của trường leo thang đột ngột, từ mức 700.000 đồng/tháng lên thành 1,2 triệu đồng/tháng. Chóng mặt với mức tăng, chị đành chuyển cho con xuống học ở “trường làng”. Hộ khẩu gia đình vẫn ở nhà mẹ đẻ (Phương Liệt) nên vẫn mất 2 triệu “chạy” trái tuyến cho con vì trường cũng quá tải.
 
“Phận “học nhờ” từ nhỏ, mới 4 năm tiểu học mà con đã phải chuyển trường 3 lần. Nhà đã an cư lại lo con cái khi nào “an học” - chị Phấn cười méo xệch chỉ cô con gái nhỏ 2 tuổi tha thẩn chơi ở góc phòng nói tiếp: “Có cả chục trường mầm non trong khu nhưng cũng 100% tư thục, không có trường công nào. Sang năm thêm cô nhỏ này phải lo nữa. Học phí trung bình 800 - 900 nghìn đồng, tính cả ăn là 1,5 triệu đồng/tháng nhưng xác định vẫn phải gửi con, không có lựa chọn nào khác”.
 
Theo chị Phấn, không chỉ gia đình mình hay nhà hàng xóm ở phòng 608, cả khu hầu hết dân tái định cư, đã phần con nhà lao động, bố mẹ công nhân, viên chức, nhà nào cũng cảnh đôn đáo vì việc đi học của con em như thế. Chị bấm đốt ngón tay đếm quanh: phòng 502 phải đưa con gửi tận trường mẫu giáo bắc Linh Đàm, phòng 1206 phải thuê khoán xe ôm mỗi tháng 400.000 đồng đưa con đi học hàng ngày…

Tủi dân tái định cư

Không tính tới nỗi khó của bộ phận “thượng lưu”, dân tái định cư khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính cũng đang tự xoay sở với nỗi khổ trường lớp.

Anh Tạ Công Thành, Tổ trưởng tổ 7, nhà N3B, Cụm đô thị mới N2, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính đã về đây tái định cư ngót 2 năm song con anh vẫn phải học tại ngôi trường cũ. Con đầu của anh năm nay học lớp 2. Sáng sáng, anh hoặc vợ phải dậy sớm đưa con đi học tận phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân) cách đó 4 - 5 cây số.
 
Khu đô thị “trắng trường”, khổ đổ đầu dân  - 3
Những khu đô thị quy mô, chật dân nhưng “trắng” trường.
 
Đường đưa con tới trường không quá xa nhưng luôn ở trong tình trạng đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng. Vợ anh Thành đang làm kế toán cho một công ty ở Cầu Giấy. “Đã mấy lần rồi vợ tôi bị muộn giờ làm vì tắc đường khi đưa con đi học” - anh Thành bức xúc.
 
Trường xa là một chuyện, song con anh học ở đó vẫn là trái tuyến khi gia đình anh đã chuyển về khu tái định cư này. Chung cảnh ngộ với anh còn rất nhiều hộ khác trong cùng khu nhà này và các khu nhà tái định cư quanh đó như N2F, N3B...
 
Hầu hết các gia đình đều chấp nhận đưa con đi học xa ở trường cũ trước khi chuyển về đây. Một số khác xin chuyển con mình đến học tại trường Phan Đình Giót (phường Nhân Chính) cho gần nhưng vẫn là trái tuyến.
 
Bác Nguyễn Mậu Minh, tổ trưởng nhà N3B cho biết, mấy ngày trước khai giảng, người dân trong khu nhà nháo nhác tìm trường học cho con. “Hộ khẩu thì đã chuyển về đây nhưng trong khu đô thị không có trường nên mọi người phải chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ học mới. Đa số cuối cùng vẫn phải xin cho con ở lại trường cũ, chấp nhận học trái tuyến” - bác Minh nói.
 
Theo phản ánh của người dân, trong khu đô thị mới này chỉ có 1 trường mầm non Trà My. Song đó là trường tư, giá cả không hề rẻ. Theo tính toán, mỗi tháng, gia đình phải mất trên dưới 200 USD (khoảng 4 triệu đồng) để gửi con bán trú trong ngôi trường này. Anh Thành cho biết: “Tôi phải thuê người trông đứa nhỏ (con út anh năm nay mới hơn 2 tuổi), chứ lương của hai vợ chồng bây giờ làm sao đủ để gửi con trong trường tư được”.
 
Chuyện trường chuyện lớp, lần nào họp dân cũng ý kiến, lần nào tiếp xúc cử chi, bầu cử cũng kiến nghị nhưng còn bao vấn đề cấp bách hơn. Chiếc thang máy hỏng đốc thúc suốt hơn năm vẫn không sửa được, nói gì đến chỗ học cho con trẻ.
 

Bên cạnh hàng chục khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, Hà Nội đang triển khai tiếp 38 khu đô thị mới với khoảng 300 khu nhà cao tầng. Tuy nhiên, tại hầu hết các khu đô thị hiện nay đều có tình trạng “trắng trường”, học sinh phải đi “học nhờ” tại các vùng khác.

Phương Thảo - Tiến Nguyên
(còn nữa)