1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khu đô thị Dầu Giây bị kiến nghị thanh tra

Hoàng Bình

(Dân trí) - Khu đô thị Dầu Giây (Đồng Nai) có nguồn gốc đất rừng cao su của Nông trường Cao su An Lộc. Năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định giao Công ty Phú Việt Tín làm chủ đầu tư xây dựng khu đô thị.

Nguồn gốc từ đất trồng cao su

Dự án Khu dân cư A1 - C1 (khu đô thị Dầu Giây), huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai do Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín làm chủ đầu tư có vị trí đắc địa ngay mặt tiền quốc lộ 1, gần ngã ba Dầu Giây và nút giao quốc lộ 1 với cao tốc Dầu Giây - Long Thành. 

Theo hồ sơ, khu đô thị này có nguồn gốc đất rừng cao su thuộc khu vực quản lý của Nông trường Cao su An Lộc (trước đây là Nông trường Dầu Giây).

Khu đô thị Dầu Giây bị kiến nghị thanh tra - 1

Khu đô thị Dầu Giây có vị trí rất thuận lợi với các tuyến đường kết nối giao thông (Ảnh: Hoàng Bình).

Năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định về việc giao đất cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư xây dựng khu đô thị Dầu Giây theo quy hoạch tại xã Xuân Thạnh và xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống nhất) với tổng diện tích 96ha.

Các giai đoạn 1, 2 đã được Công ty Phú Việt Tín triển khai và thực hiện xong. Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín thực hiện giai đoạn 3 với tổng 590 nền đất.

Năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nâng diện tích của khu dân cư Dầu Giây từ 96ha lên thành 148ha với quy mô dân số hơn 17.000 người. Tổng số lô đất trong khu đô thị là 2.008 lô đất, nhà liền kề.

Dự án đến nay đã qua 11 năm nhưng chỉ mới cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 53ha. Còn lại hơn 43ha công ty chưa triển khai thực hiện do chưa được UBND tỉnh Đồng Nai gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến vướng mắc các thủ tục.

Kiến nghị thanh tra dự án

Tại buổi giám sát của đoàn ĐBQH về dự án khu đô thị Dầu Giây mới đây, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH, cho rằng hiện nay chủ đầu tư đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể xây dựng hạ tầng, chưa xây hệ thống nước thải dẫn đến ô nhiễm và chưa được cấp sổ đỏ khiến người dân khiếu kiện.

Ông Cường yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ tính pháp lý của dự án; làm rõ việc góp vốn giữa Tổng công ty cao su Đồng Nai với Công ty Phú Việt Tín...

Khu đô thị Dầu Giây bị kiến nghị thanh tra - 2

Khu đô thị Dầu Giây trước đây là đất của nông trường cao su An Lộc (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo ông Cường, các sở ban ngành cần làm rõ tính pháp lý của công ty, chủ đầu tư khi quyết định đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ hay UBND tỉnh giao đất, giữa công ty cao su với cá nhân thành lập công ty và các lần đổi tên, chuyển nhượng pháp nhân có hợp pháp hay không?

"Đất hoàn toàn đất công, khi Nhà nước góp gần 100ha đất cao su thì Tổng công ty cao su thu được về cái gì? Lợi nhuận bao nhiêu...?", ông Cường yêu cầu công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra trong thời gian một tháng rồi gửi trả lời bằng văn bản về đoàn giám sát.

Cũng có mặt tại buổi làm việc, ĐBQH Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho rằng dự án khu đô thị Dầu Giây liên quan tài sản công, do đó cần thanh tra để làm rõ tính pháp lý.

Còn ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cùng cho rằng dự án này kéo dài nhiều năm, qua các lần tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh, nên cần thanh tra toàn diện để giải quyết quyền lợi của người dân. Đồng thời làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, nếu thanh tra thấy có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đã giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp Sở Tài chính, UBND huyện Thống Nhất cùng các đơn vị liên quan rà soát lại sử dụng tài sản công qua từng thời kỳ, các quy định có liên quan để xem xét xác định diện tích dự án có phải trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm