Không “xử” được lạm thu do quy định phá rào của Bộ GD-ĐT
(Dân trí) - “Mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cao hơn gấp nhiều lần học phí. Nhìn chung việc thu chi này không minh bạch” - UB Thường vụ QH kết luận khi giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng lạm thu trong giáo dục.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm.
Theo báo cáo của UBND 39 tỉnh thành và kết quả làm việc trực tiếp với 12 tỉnh thành cho thấy, hiện nay, ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, ở các trường phổ thông, nhất là khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để phục vụ việc tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường lớp, mua học cụ, mua đồ chơi…
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc thu chi các khoản ngoài học phí, lệ phí là cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu học tập, chi phí, đầu tư học tập của người học và yêu cầu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người học.
Riêng đối với khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hiện chưa địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều nơi, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo… Nhìn chung việc thu chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh.
Đồng tình với những “cáo buộc” này của cơ quan giám sát, Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, theo nhiều ý kiến phán ảnh Ban đại diện cha mẹ học sinh họp theo sự gợi ý của thầy cô chủ nhiệm, nhà trường. Thêm nữa, Ban này cũng hoạt động trên sự áp đặt của một số phụ huynh là “đại gia” nên nhiều khi đề xuất thu chi không phù hợp ý nguyện những gia đình khó khăn hơn. Việc bầu ban phụ huynh nhiều khi cũng căn cứ theo sự giới thiệu của nhà trường, thầy cô chủ nhiệm.
“Mặc dù trong văn bản này, Bộ đã lưu ý việc huy động đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế các cơ sở giáo dục đã vận dụng quy định trên để huy động phụ huynh học sinh đóng góp thêm các khoản” – cơ quan giám sát nhận định.
Ông Thi một lần nữa “gật đầu”: “Những văn bản đề nghị đóng tiền để mua thêm quạt, bóng điện, điều hòa… được đánh máy, in sẵn, phụ huynh đành chỉ ký tên dưới danh nghĩa người kiến nghị. Như vậy là áp đặt, tìm cách lách luật chứ không phải trên cơ sở sự tự nguyện của cha mẹ học sinh”.
Quy định về việc quản lý thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Theo quy định Bộ GD-ĐT ban hành, UBND các tỉnh thành quy định việc này. Tuy nhiên, theo ý kiến một số địa phương, đã là khoản đóng góp tự nguyện thì cơ quan nhà nước không thể ban hành văn bản quy định về khoản thu này. Vì vậy, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh kiểm tra các khoản thu chi này còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý trong thực tiễn.
Các tỉnh thành cũng “than”, học phí thu được tuy không nhiều những vẫn phải dành 40% để chi lương trong khi ngân sách dành cho chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục phổ thông còn hạn hẹp. Vậy nên, để có kinh phí chi cho các hoạt động của nhà trường, một số địa phương đã phải quy định các khoản thu khác ngoài học phí, lệ phí.
Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhận xét, giữa quy định của Luật Giáo dục với thực tế thu chi ở trường lớp còn nhiều bất cập. Việc quy định mức 40% trích học phí để chi lương theo đó cũng tỏ ra không phù hợp khi việc thực hiện quy định này dẫn đến thiếu kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên ở trường này thì ở trường khác, khoản trích còn dư nhưng lại không được chi cho hoạt động khác. Ông Hiền kiến nghị nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp.
P.Thảo