1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không thể tạm ứng 1 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 31/12, trả lời thắc mắc của PV Dân trí xung quanh việc xem xét đề nghị xin tạm ứng 1 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), ông Trần Việt Hưng- Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết hôm qua 30/12 cơ quan này đã nhận được đơn của ông Nén.

 

Ông Trần Việt Hưng trả lời câu hỏi của PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha).
Ông Trần Việt Hưng trả lời câu hỏi của PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

 

“Các hướng dẫn hiện nay không có quy định nào về việc trước khi thụ lý hồ sơ bồi thường oan sai thì cơ quan nhà nước tạm ứng cho bị hại cả. Chỉ tạm ứng khi nộp đầy đủ hồ sơ, giữa cơ quan bồi thường và bị hại thỏa thuận xong về số tiền bồi thường oan sai, đã ban hành quyết định bồi thường; đồng thời số tiền bồi thường đó phải nhỏ, nằm trong khả năng của cơ quan đó. Khi đó cơ quan phải bồi thường có thể ứng trước để chi trả cho bị hại, sau đó lập hồ sơ để Bộ Tài chính hoàn trả lại số tiền mà mình đã tạm ứng trước”- ông Hưng nói.

Tuy vậy, ông Trần Việt Hưng cho biết Cục Bồi thường nhà nước sẽ có đề xuất việc xử lý bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén theo hướng chủ động, giải quyết kịp thời đối với những điều khoản đã có quy định trong luật như thời gian ngồi tù oan 1 ngày bằng 3 ngày lương tối thiểu...

“Chúng tôi sẽ đề xuất theo hướng cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động giải quyết bồi thường. Còn những vấn đề phải chứng minh thêm liên quan đến quá trình đi khiếu nại tố cáo thì gia đình bị hại sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ, khi nào có đầy đủ thì lập hồ sở để gửi cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước”- ông Hưng nói.

 

Tính đến thời điểm được tại ngoại để chữa bệnh, ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan 17 năm 5 tháng (Ảnh: Trọng Vũ).
Tính đến thời điểm được tại ngoại để chữa bệnh, ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan 17 năm 5 tháng (Ảnh: Trọng Vũ).

 

Liên quan đến việc trước đây ông Huỳnh Văn Nén từng bị oan sai trong vụ án “vườn điều” (cùng bị oan với vụ sát hại bà Lê Thị Bông - PV) nhưng chưa được bồi thường thì bây giờ xử lý thế nào, ông Trần Việt Hưng cho biết vụ án xảy ra năm 1998 và cơ quan chức năng đã tổ chức xin lỗi vì oan sai trong “kỳ án vườn điều”.

“Tuy nhiên lúc đó ông Nén đang thụ án tù, nên vừa qua cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi luôn trong cả hai vụ án (vườn điều và vụ sát hại bà Lê Thị Bông). Chúng tôi đã trao đổi với TAND Tối cao và thấy rằng đến năm 2003 mới có Nghị quyết 388 của Quốc hội về bồi thường oan sai, chứ trước đó chưa có quy định nào về việc bồi thường oan sai cả nên cơ quan tối cao cũng đang mắc về việc này”- ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, điều khoản chuyển tiếp về bồi thường oan sai chỉ nói rằng những trường hợp nào chưa được thụ lý, giải quyết theo Nghị quyết 388 thì sẽ được thụ lý theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.

“Không có điều khoản chuyển tiếp nào hướng dẫn bồi thường oan sai giai đoạn trước Nghị quyết 388 cả. Nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan về việc này và trao đổi với báo chí sau”- ông Hưng cho biết.

Trước đó, ông Nén và gia đình đã có đơn gửi TAND tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) xin được tạm ứng 1 tỷ đồng do bị oan sai.

“Sau hơn 17 năm đi tù oan về, gia đình tôi tan nát. Ngôi nhà gạch suốt 17 năm qua cũng chưa được trát tường. Người cha già hơn 90 tuổi của tôi ngày càng yếu, con cái không có công việc ổn định. Riêng tôi, từng ấy thời gian ngồi tù, sức khỏe đã bị bào mòn nên giờ cũng không thể làm việc nặng. Cuộc sống gia đình giờ chỉ biết trông cậy vào sự tảo tần của vợ tôi với gánh hàng bán đồ ăn sáng. Do vậy, tôi làm đơn mong cơ quan chức năng xem xét để tôi có chút vốn về làm ăn, lo cho gia đình”- ông Nén viết trong đơn.

Hiện gia đình ông Nén và luật sư đang hoàn tất hồ sơ để yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho hơn 17 năm ngồi tù oan.

Thế Kha