“Không thể nói: bỏ HĐND, các mặt đều… tốt hơn”
(Dân trí) - Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nêu lên bức tranh khá lạc quan về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã không thuyết phục được UB Thường vụ Quốc hội.
Sáng 18/9, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tổng kết bước 1 về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh, Lê Quang Bình cho rằng, việc đánh giá quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường, hiệu lực bộ máy tăng lên, văn hoá xã hội tốt hơn như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày… là chưa đủ cơ sở. Theo ông Bình, mới cách đây chưa lâu, nhiều báo cáo đánh giá hoạt động của HĐND các cấp này là tốt, nay lại có sự thay đổi như vậy là… quá nhanh.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, đã là chính quyền phải có quyền lực, nhưng nếu không có giám sát dễ bị tha hoá, xa rời nhân dân và hiện ông chưa thấy mô hình nào hơn để kiểm soát quyền lực. |
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận cũng đánh giá, bỏ HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, đưa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống, bỏ đi một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tiếng nói tập trung của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ở địa phương.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng chưa hài lòng với nhận định, hoạt động giám sát vẫn bảo đảm, đơn thư khiếu nại tố cáo giảm, tiết kiệm được 85 tỷ đồng… Ông Vượng đặt vấn đề, nói như vậy “có phải bỏ HĐND đi rồi, tất cả các mặt đều tốt hơn và phải chăng nếu bỏ HĐND tỉnh còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa”. Chưa hết, nói như vậy liệu có phải HĐND cản trở hoạt động của UBND.
Cũng theo ông Trần Thế Vượng, bên hành lang hội nghị toàn quốc về HĐND, UBND vừa qua, nhiều cán bộ công tác tại HĐND các tỉnh chưa hài lòng với cách đánh giá về việc thí điểm bỏ HĐND, thậm chí có ý kiến coi đó như một sự “xúc phạm” tới HĐND nói chung và HĐND quận, huyện, phường nói riêng.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển nhận định, dự toán ngân sách cho bộ máy hành chính công vẫn tăng, chứ không hề giảm. “Chúng ta bó hẹp chỗ này, nhưng phình chỗ khác, các đồng chí cứ kiểm tra tại 10 tỉnh thí điểm bỏ HĐND này sẽ biết ngay”, ông Hiển bày tỏ.
Cũng liên quan đến vấn đề tiết kiệm, ông Lê Quang Bình cho rằng, cần phải có nghiên cứu tổng kết toàn diện bộ máy nhà nước và nếu cho HĐND là hình thức, cần xem mặt trận, đoàn thể có hình thức. Thêm nữa, cần tính toán nước ta bao nhiêu tỉnh là vừa, bởi lẽ, những năm qua, chúng ta thành lập thêm nhiều tỉnh và mỗi lần như vậy bộ máy phình thêm, tốn kém hơn rất nhiều so với sự tồn tại của HĐND.
Ông Phạm Minh Tuyên còn cho rằng, nếu nói giảm người, giảm tiền, cần đánh giá việc thừa giáo viên trung học, tiểu học xem lãng phí như thế nào. Theo như ông Tuyên, hiện có tỉnh thừa tới 2.000 giáo viên…
Từ những phân tích, lập luận trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa nên thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên toàn quốc như phương án 1 của Chính phủ nêu lên.
Về việc có nên mở rộng thêm diện thí điểm (phương án 2 của Chính phủ), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước đề nghị nên bổ sung thêm 5 - 10 tỉnh, tuy nhiên nhiều ý kiến khác lại cho rằng chỉ nên tiếp tục với 10 tỉnh hiện nay.