1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không thể dựa mãi vào giá nhân công

Các diễn giả tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, khai mạc tại TPHCM ngày 23-4-2007, ghi nhận không khí lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng họ cũng đưa ra nhiều gợi ý với Chính phủ để bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Mục tiêu tham vọng, nhưng khả thi

 

Mục tiêu ngắn hạn của Việt Nam là đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng chậm phát triển vào năm 2010, nghĩa là vào thời điểm đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người phải vượt ngưỡng 1.000 đô la Mỹ. Còn về dài hạn, cái đích mà Việt Nam nhắm tới là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại với GDP đạt 2.000 đô la Mỹ/người vào năm 2020. Muốn vươn tới mục tiêu kể trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần được duy trì ở mức bình quân 8%/năm trong 15 năm tới.

 

“Đó là một mục tiêu đầy tham vọng”, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhấn mạnh. Theo ông Shozo Sakata, chuyên gia Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), trong quá khứ ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore đạt được thành tích này.

 

Tuy vậy, cả hai ông đều khẳng định Việt Nam có điều kiện để hoàn thành mục tiêu nói trên, nếu khai thác tốt tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì nhịp độ tăng trưởng trên 8%/năm như trong hai năm vừa qua. Ông Ayumi Konishi nói: “Hơn 15 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đồng đều trên cả ba lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đó là nền tảng cho sự phát triển cao và ổn định”.

 

Nhưng vẫn còn những yếu kém có thể đe dọa mức tăng cao trong tương lai. Ông Shozo Sakata cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nguyên liệu thông thường và nông nghiệp. Xuất khẩu là động lực phát triển quan trọng, nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu lại là tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu thô, vốn là những mặt hàng mang lại giá trị gia tăng thấp do sự cạnh tranh quyết liệt của các nước đang phát triển khác. Ngành sản xuất, tuy phát triển khá mạnh trong thời gian qua, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong GDP, khoảng 21%.

 

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhưng đa phần là đầu tư vào công nghiệp nhẹ, vốn nhỏ và công nghệ đơn giản. Đây là lĩnh vực doanh nghiệp nội địa dễ tham gia, nhưng xu hướng đầu tư kể trên đã gây nhiều sức ép cạnh tranh và ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của họ. Ngoài ra, đến 98% doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa. Ông Ayumi Konishi cho rằng, những doanh nghiệp này thường có kỹ năng quản lý và công nghệ sản xuất kém, nên sức cạnh tranh yếu. Mặc dù vậy, ông cũng nhận ra những tín hiệu lạc quan khi xuất hiện ngày càng nhiều những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Ông nói: “Đó là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến gần tới chuỗi sản xuất giá trị của thế giới”.

Duy trì được bao lâu?

 

Để thực hiện mục tiêu GDP đầu người 1.000 đô la Mỹ vào 2010, Việt Nam cần đầu tư 140-150 tỉ đô la Mỹ, trong đó 35% là nguồn vốn FDI. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, đến cuối năm nay Việt Nam có thể hoàn thành một nửa chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của giai đoạn năm năm 2006-2010.

 

Ông cho biết thêm, quy mô dự án cũng như lĩnh vực thu hút đầu tư đang có chuyển biến tích cực. Ngày càng nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào ngành công nghiệp nặng, điện tử và công nghệ thông tin, các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ngành dịch vụ. Riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều dự án lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán và nếu thành công thì đây sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam.

 

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thu hút FDI sẽ là chìa khóa quan trọng đối với sự thành bại của mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam. Hiện nay, triển vọng thu hút FDI đang rất sáng sủa, nhưng vấn đề ở chỗ có duy trì được lâu hay không.

 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), các nhà đầu tư nước này xem Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ trong tương lai gần. Nhưng yếu tố hàng đầu của Việt Nam để được nhà đầu tư Nhật xếp hạng cao lại là giá nhân công rẻ, kế đến mới là tiềm năng thị trường và sự ổn định về chính trị. Ông Shozo Sakata cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng mất dần lợi thế nhân công sau khi trở thành nước đang phát triển có thu nhập khá. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Việt Nam không thể dựa mãi vào lợi thế nhân công để thu hút đầu tư, mà cần phải có cái gì đó hấp dẫn hơn. Cụ thể là nên phát triển đội ngũ lao động lành nghề, bao gồm cả trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi; tạo cơ chế và khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

 

Hiện nay, dưới mắt nhà đầu tư nước ngoài, những yếu tố khiến môi trường kinh doanh Việt Nam bị mất điểm nhiều là hệ thống cơ sở hạ tầng kém; sự thiếu minh bạch và thông suốt trong hệ thống pháp luật; ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển; tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến và thiếu nhân công lành nghề. Sau cùng là sự hợp tác kém giữa các doanh nghiệp. Ông Shozo Sakata cho biết, nhiều nhà cung cấp phụ tùng ô tô, xe máy và linh kiện điện tử trong nước cũng tham gia vào việc lắp ráp hoặc gia công, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của họ. “Làm như vậy, các công ty nước ngoài sẽ không dám chuyển giao công nghệ, đào tạo cho các nhà cung cấp trong nước, nên ảnh hưởng đến khả năng phát triển”, ông nói.

 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Để thu hút đầu tư nước ngoài một cách bền vững, ngoài cải cách thể chế, luật lệ, thì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực là những yếu tố quan trọng nhất”. Ông cho biết, về cơ sở hạ tầng, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc, cảng biển, hệ thống điện nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.

 

Riêng trong lĩnh vực đào tạo, Chính phủ dự kiến tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục. Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, cho biết sẽ mở rộng chương trình hợp tác đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và đại học nước ngoài. Ông nói: “Chín trường đại học đầu tiên đã được chọn để liên kết với các đại học có uy tín của Mỹ đào tạo theo các chương trình của đối tác, gồm các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, sinh hóa và sinh học, năng lượng, tài chính...”. Trong giai đoạn 2008-2010, bộ sẽ chọn thêm chín trường nữa tham gia chương trình liên kết đào tạo này. Đồng thời, bộ còn chủ trưởng đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo viên, giảng viên; xác lập yêu cầu mới về chuẩn tri thức và đổi mới cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

 

“Con đường phát triển kinh tế của Việt Nam đang trải đầy hoa hồng, nhưng trên đó cũng còn lắm chông gai”, ông Ayumi Konishi nói. Theo ông, những “chông gai “mà Việt Nam cần vượt qua là nâng cấp cơ sở hạ tầng; cải cách hệ thống tài chính, giải quyết tồn tại về chính sách để khu vực tư nhân phát triển; phát triển nguồn nhân lực và phát triển khu vực nông thôn.       

 

“Con đường phát triển kinh tế của Việt Nam đang trải đầy hoa hồng, nhưng trên đó cũng còn lắm chông gai”.

 

Theo Tấn Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn