1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Không thể dự báo được khi nào xảy ra mưa đá

(Dân trí) - “Mưa đá là một hiện tượng thời tiết đặc biệt, rất khó dự báo. Trong các bản tin thời tiết, không thể dự báo ngày mai ở chỗ nào có mưa đá, mà chỉ nhận định được trong đám mưa giông có khả năng phát triển mạnh có thể có tố lốc, vòi rồng, mưa đá…”.

Đó là khẳng định của ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương) trước những cơn mưa đá, giông lốc xảy ra tại các tỉnh miền Bắc trong ba ngày qua.

 

Liên tiếp trong ba ngày qua, người dân các tỉnh Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hoà Bình, Lai Châu, Quảng Ninh… đã phải hứng chịu những trận mưa đá với thời gian trên dưới 1 giờ đồng hồ, đây có phải là hiện tượng bất thường của thời tiết không, thưa ông?

 

Thường thì các tố lốc, vòi rồng, mưa đá xảy ra vào đầu và cuối mùa lạnh, tức là khoảng thời gian từ cuối tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 10, tháng 11; có những năm mưa đá xảy ra sớm hơn vào khoảng tháng 2, tháng 3. Đây là những thời điểm thường xảy ra các tranh chấp ác liệt giữa hai khối khí trong buổi thời tiết giao mùa.

 

Mặc dù là một hiện tượng thời tiết đặc biệt nhưng mưa đá không phải là hiện tượng bất thường. Nguyên do là trước đó, bắt đầu từ tháng 9 có đợt không khí lạnh ảnh hưởng lớn thời tiết các tỉnh miền Bắc nhưng từ ngày 9/9 trở đi thì hầu như không có. Điều này đã tạo cho nhiệt độ mặt đệm lớn, trung bình từ 30 - 31độ, có ngày lên tới 32 độ. Và nguyên do tác động làm cho nhiệt độ mặt đệm lớn có liên quan tới dự báo dài hơn mà mọi người thường gọi là El-Nino.

 

Dấu hiệu để nhận biết sắp có mưa đá

 

Theo cảnh báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nếu thấy trời nổi giông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng “ù ù, ầm ầm” liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi, có thể mưa đá đã kéo đến.

 

Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5mm đến hàng chục cm. 

 

Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.

 

Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra.

 

Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những hòn mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

 

Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở nước ta mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền.

El-Nino tuy không gây ảnh hưởng mạnh nhất cho Việt Nam nhưng cũng có ảnh hưởng phần nào tới chuẩn sai nhiệt độ của tháng 11 này và cũng là bất thường so với số liệu hàng năm. El-Nino làm cho nhiệt độ ở Hà Nội cao hơn so với trung bình nhiều năm tới 2,8 độ; mưa ở khu vực Hải Phòng trong tháng 10 đo được 0,3 mm, thấp hơn rất nhiều so với mọi năm…

 

Vào tháng 4/2005, Hà Nội cũng đã có mưa đá, nhưng trận mưa hôm qua lại có thời gian dài hơn và kích thước hạt đá cũng to hơn gấp nhiều lần. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng dị thường của thời tiết Hà Nội, ý kiến của ông về vấn đề này?

 

Đúng là cơn mưa đá hôm qua đã kéo dài hơn chúng ta tưởng, mưa kéo dài trong vòng 30 phút, có nơi lâu hơn. Nguyên nhân là bởi không khí lạnh tác động đến thời tiết Hà Nội nhưng lại có cường độ yếu quá và nhiệt độ mặt đệm hầu như không thay đổi, nhiệt độ, độ ẩm khá thuận lợi cho việc hình thành các đám mây giông.

 

Khi có những hội tụ mãnh liệt, các đám mây này sẽ gây ra mưa đá. Đó chính là lý do giải thích vì sao thời gian mưa đá kéo dài và kích thước viên đá cũng to hơn bình thường. 

 

Với điều kiện không khí lạnh ít về và thường là không khí lạnh yếu, khả năng xuất hiện mưa đá trong thời gian tới như thế nào?

 

Có thể khẳng định, mưa đá là hiện tượng thời tiết rất đặc biệt và rất khó dự báo. Ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật cũng không dự báo được. Họ chỉ có thể cảnh báo. Không cơ quan dự báo nào đưa vào bản tin dự báo thời tiết là ngày mai ở chỗ này, chỗ kia có mưa đá. Chúng tôi chỉ có cảnh báo là đám mây giông phát triển có khả năng phát triển mạnh có thể xảy ra giông, tố, lốc, vòi rồng, mưa đá.

 

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay rất hay xảy ra các hiện tượng thời tiết đặc biệt như giông (gây ra gió mạnh), tố lốc, vòi rồng, mưa đá… Nguyên nhân do tranh chất giữa hai khối không khí có bản chất khác nhau. Vậy nên vào đầu mùa và cuối mùa, chúng tôi vẫn hay chú ý cảnh báo các khả năng thời tiết đặc biệt có thể xảy ra cùng với việc xác định hình thái thời tiết chính của ngày dự báo. 

Xin cảm ơn ông! 

Nguyễn Hiền (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm