1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

55 năm Hải quân Việt Nam thắng "chim sắt" Mỹ:

"Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy"

(Dân trí) - Trước sức mạnh vô đối của địch, những người lính hải quân hơn 50 năm trước vẫn không hề sợ hãi, chiến đấu đầy mưu trí, quả cảm, để cùng đánh bại cuộc tập kích chiến lược đầu tiên bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ....

Cảng Gianh chôn vùi “chim sắt Mỹ”

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về "trận đầu" Hải quân nhân nhân dân Việt Nam anh dũng đánh thắng đế quốc Mỹ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn tươi mới với Trung tá Nguyễn Xuân Cừ (quê ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy - 1

Cựu binh Nguyễn Xuân Cừ, giữ nhiệm vụ phụ trách lái tàu chiến T177, thuộc Phân đội 6, Khu tuần phòng 2, bảo vệ vùng biển từ Thanh Hóa đến Sông Gianh (Quảng Bình)- nhân chứng sống của sự kiện hào hùng 55 năm trước.

Thời điểm đầu năm 1964 khi đế quốc Mỹ thể hiện rõ dã tâm mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, người lính trẻ Nguyễn Xuân Cừ phụ trách lái tàu chiến T177, thuộc Phân đội 6, Khu tuần phòng 2, bảo vệ vùng biển từ Thanh Hóa đến Sông Gianh (Quảng Bình).  

Trung tá Nguyễn Xuân Cừ thuật lại: Đầu năm 1964, nhận định đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo mọi đơn vị chuyển sang trạng thái thời chiến.

Tiếp đó, đêm 31 tháng 7 năm 1964, khu trục hạm Maddox (Ma-Đốc) của Mỹ xâm phạm hải phận nước ta từ sông Gianh đến đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) để thăm dò các trận địa pháo bố phòng ven biển miền Bắc nước ta.

Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy - 2

Khu trục hạm Maddox của Mỹ (ảnh tư liệu)

Thời điểm đó, lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam mới ra đời được 9 năm (7/5/1955 - 1964). Tuy tuổi còn non trẻ, vũ khí, trang bị thô sơ nhưng hải quân ta không hề nao núng khi đối mặt với lực lượng hải quân hùng mạnh với khu trục hạm tối tân của địch.

Nhận được tin báo, sáng 2/8, được lệnh của Bộ Tổng tham mưu Bộ tư lệnh Hải quân điều động tàu phóng lôi của Phân đội 3 và 2 tàu tuần tiễu xuất phát từ đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) ra đảo Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để ngăn chặn tàu chiến của Mỹ.

Khi tàu Ma - Đốc tiến vào đảo Hòn Mê, cách đó khoảng 16 hải lý về phía Đông, tàu phóng lôi thuộc phân đội 3 được lệnh, ngay lập tức xuất kích tấn công. Qua nhiều lần công kích, tàu địch bị trúng đạn, phải tức tốc quay đầu rời khỏi vùng biển nước ta.

Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy - 3

Đơn vị pháo cáo xạ trực chiến đáp trả máy bay địch tấn công Cảng sông Gianh (ảnh tư liệu)

Sau trận đánh của ta, Mỹ dựng lên cái gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", lấy cớ để mở chiến dịch "trả đũa". Ngày 5/8/1964, hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, tấn công bất ngờ gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các kho tàng, mục tiêu trú đậu của Hải quân ta dọc ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.

“Vào 12h20 ngày 5/8, 8 máy bay của địch chia làm 2 tốp, lao xuống bắn phá cảnh Gianh và tấn công tàu hải quân của ta đang làm nhiệm vụ tại cửa Roòn. Tôi lúc đó được lệnh từ cấp trên, trực tiếp cầm lái, cùng các tàu T161, T173, T175 (Phân đội 6); T181, T183 (Phân đội 7) đã nhanh chóng cơ động chiến đấu, đánh trả các đợt công kích của máy bay địch”- Trung tá Nguyễn Xuân Cừ thuật lại.

Lúc đó, máy bay địch chia làm nhiều lượt tập kích, hết lượt này đến lượt khác, bắn phá dồn dập. Trong suốt hơn 20 phút của đợt tấn công đầu tiên, liên tục tốp máy bay tiêm kích, cường kích của Mỹ thay nhau chúi đầu cắt bom, bắn pháo vào các tàu và các mục tiêu trong cảng. Những làn đạn 20 ly của máy bay địch cày tung mặt nước.

“Tôi đảm nhận trọng trách cầm lái, theo mệnh lệnh của thuyền trưởng Nguyễn Đình Thuận, vừa tránh đường đạn của địch, vừa chuyển hướng tàu theo hướng tấn công của ta. Trên trời, máy bay địch chia thành từng tốp nhỏ, tập kích liên tục, bom, đạn trút xuống như mưa, nên việc di chuyển tàu gặp khó, chậm thì trúng bom, mà nhanh quá thì sợ tàu va vào bờ"- Trung tá Nguyễn Xuân Cừ thuật tiếp.

Sau khoảng 25 phút giao tranh, tàu T177 và các tàu hải quân khác đã phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch và bắn rơi 1 máy bay xuống biển phía Đông Nam cửa sông Gianh.

Đến khoảng hơn 4 giờ chiều cùng ngày, địch tiếp tục không kích lần hai bằng một nhóm máy bay, nhưng lúc này yếu tố bất ngờ của địch không còn nữa và các lực lượng hải quân, phòng không mặt đất đã có thêm kinh nghiệm nên đồng loạt nổ súng. Đợt tấn công thứ hai của địch kết thúc nhanh hơn đợt một khi các lực lượng của ta bắt rơi tiếp 1 máy bay, buộc chúng phải tháo chạy ra phía biển rồi mất hút...

Bản hùng ca bên bờ sông Lam

Nằm ngay bên dòng sông Lam, giáp ranh với 3 mục tiêu chính là phà Bến Thủy, kho xăng dầu và nhà máy điện Cửa Lò, nên trong lần đối đầu đầu tiên giữa Hải quân Việt Nam và đế quốc Mỹ, mảnh đất Xuân Giang, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị máy bay Mỹ tập kích dữ dội.

Ký ức về những trận đánh dũng cảm, gan dạ trên trận địa pháo oai hùng bên bờ sông Lam ấy vẫn còn in đậm trong hồi ức của nhiều cựu binh tóc đã bạc trắng đầu.

Cựu binh Ngô Đăng Tường (sinh năm 1939, tổ đội pháo 37 li yểm trợ cho pháo cao xạ) nhớ lại giây phút bắt đầu trận chiến: "Ngày 5/8/1964, cả mảnh đất Nghi Xuân chìm trong mưa bom bão đạn. Cả vùng quê bị bọn giặc Mỹ ném bom cháy rừng rực. Tất cả các lực lượng như dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, phụ nữ… được điều động để bảo vệ trận địa pháo.

Vào khoảng 9h thì chúng bắt đầu nã đạn vào các mục tiêu, thế nhưng, đến 14h thì tất cả các lực lượng được điều động và đơn vị Sông Mạ bắt đầu được lệnh bắn. Rất khó để bắn được máy bay địch, vì loại máy bay F84 rất nhỏ, nó có thể cơ động bay được cả dưới nòng pháo, bay sát nóc nhà và các con đường, tấm ngắm của pháo phải được thay đổi liên tục.

Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy - 4

Vị trí cầu Bến Thủy 1 hiện nay trên dòng sông Lam là nơi máy bay Mỹ tập kịch dữ dội cách đây 55 năm. 

Khi thấy ta phản công các máy bay địch ngày kéo đến càng đông, chúng liên tiếp tìm những cứ điểm như trường học, hay lùm cây rậm và cánh đồng để nã đạn rốc két. Chúng cứ thả đạn vào chỗ nào mà chúng nghi ngờ ta đặt pháo, cả xóm làng như đang cháy rừng rực. Bên kia sông kho xăng ngày càng cháy lớn. Lúc đó một số cán bộ đã tính kéo lùi pháo, chuẩn bị phương án di dân nếu như ngọn lửa cháy qua con sông Lam.

Bị địch tập kích, tất cả những gia đình có súng đều mang ra để yểm trợ cho pháo cao xạ. Hàng trăm khẩu súng được người dân ở đây mang ra các cánh đồng và những mô đất được đắp sẵn để bắn trả lại chiếc phi cơ đang ầm ầm lao tới. Cảnh tượng lúc đó rất kinh hoàng, những quả bom được bọn chúng nã liên tục hàng chục ngôi nhà bị phá hỏng.

Mặc cho chúng cứ liên tiếp nã bom đạn, quân dân ta vẫn kiên cường bám trụ, với một ý chí phải giữ bằng được các cứ điểm mà bọn chúng đang nhăm nhe.

Với trận địa pháo được bố trí thành hình tròn như: Xuân An, Xuân Giang, Xuân Yên (thuộc Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và Rú Quyết, Hưng Dũng, Hưng Nguyên (thuộc Nghệ An), để bảo vệ các cứ điểm như Kho xăng dầu và Nhà máy Điện, Phà Bến Thủy. Các đơn vị pháo cứ nã đạn, những chiếc may bay cứ nổ lớn, tạo thành khối lửa trên không, lao đầu ra phía biển mất hút.

Theo lời cựu binh Phạn Xuân Thiêm, trận đánh ấy vô cùng ác liệt, bao anh em đã ngã xuống bên bờ sông Lam, hàng chục ngôi nhà bị cháy, hàng trăm người dân trúng đạn, cả vùng quê như tang tóc, lửa cứ cháy suốt đêm ngày. 

Chiến sĩ được cựu binh Thiêm và các đồng đội của mình nhắc tới như một minh chứng cho lòng gan dạ, sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc đó là liệt sỹ Phan Đăng Cát (sinh ngày 8/4/1941) tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cưới vợ được 5 ngày, chiến sỹ Phan Đăng Cát quay lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Một năm sau khi đang giữ nhiệm khẩu đội trưởng, được cấp trên đồng ý cho về phép thì tiếng còi báo động tốp máy bay Mỹ tấn công vào thị xã Vinh vang lên. Anh lập tức dừng nghỉ phép ở lại chiến đấu với đồng đội. Anh đã anh dũng hi sinh khi đang cầm cờ đốc thúc đồng đội của mình chiến đấu với kẻ thù.

Những cựu binh già đã ở độ tuổi ngoài 75, 80 vẫn được khí chất hào hùng khi nói về thông tin đế quốc Mỹ bị bắn hạ nhiều máy bay, phải rút khỏi miền Bắc chỉ sau mấy trận đánh: "Không thể diễn tả được sự sung sướng của chúng tôi lúc đó. Nghe vô tuyến truyền đi bản tin máy bay địch bị bắn cháy, chúng tôi hò reo trong vui sướng, tinh thần lên rất cao và luôn tin chắc vào thắng lợi trước kẻ thù hùng mạnh". 

Ra mắt Ban Liên lạc Cựu chiến binh Hải quân Hà Tĩnh

Sáng 5/8, tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Hải quân Hà Tĩnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 55 năm Hải quân nhân dân Việt Nam chiến thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2019) và ra mắt Ban Liên lạc Cựu chiến binh Hải quân Hà Tĩnh.

Không thể diễn tả niềm vui sướng khi nghe tin máy bay Mỹ bị bắn cháy - 5

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại khí thế cách đây 55 năm (ngày 2 và 5/8/1964), Hải quân nhân dân Việt Nam lần đầu tiên ra quân đối đầu với hải quân và không quân Mỹ đã dũng cảm chiến đấu, đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi vùng biển Việt Nam, bắn rơi 8 máy bay trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, làm nên truyền thống “đánh thắng trận đầu” và quyết tâm “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” của Quân chủng Hải quân, ghi mốc son lịch sử vào truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã lắng nghe ý kiến của những cựu chiến binh từng phục vụ trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và tham gia vào hai trận đánh vào ngày 2/8 và 5/8/1964. Nhiều đại biểu đã rưng rưng xúc động khi nghe thuật lại tinh thần đoàn kết, mưu trí dũng cảm làm nên chiến công xuất sắc của quân dân ta. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 7.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân chủng Hải quân về hưu, phục viên, xuất ngũ đang công tác trong các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp trên các địa bàn.

Các sỹ quan, hạ sỹ quan chiến sỹ Hải Quân Hà Tĩnh sau khi trở về cuộc sống đời thường, hầu hết đã gia nhập Hội CCB Việt Nam, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

Tại buổi lễ, Ban liên lạc Cựu chiến binh Hải quân Hà Tĩnh đã tổ chức ra mắt.

Trước đó, ngày 15/7/2019, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Hải quân Hà Tĩnh (thuộc Hội CCB Hà Tĩnh) đã được ra đời trên cơ sở tách từ Ban Liên lạc cựu chiến binh Hải quân Nghệ Tĩnh.

Hà Phương - Tấn Anh