Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị:
Không thể đánh đồng sự hấp dẫn với khuynh hướng thương mại hóa
“Thương mại hóa trong báo chí phải được hiểu là bỏ qua tính chân thật, tính giáo dục, tính văn hóa trong thông tin để theo đuổi mục đích bán báo chạy với bất cứ giá nào”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị đã có cuộc trao đổi nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6.
Thưa ông, nhiều người làm báo phản ánh rằng việc tác nghiệp của họ hiện nay khó khăn hơn, điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng thông tin phục vụ bạn đọc?
Xã hội chúng ta ngày càng đòi hỏi cao đối với báo chí. Báo chí phải thi đua, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, về tính cập nhật của thông tin; phải xứng đáng với sự tin yêu của công chúng... Làm tốt được yêu cầu, đòi hỏi đó thì hẳn là phải khó.
Nhưng vượt qua được những khó khăn ấy thì thông tin sẽ có chất lượng, được công chúng đánh giá cao. Ngược lại, nếu cơ quan báo chí hoặc nhà báo không chịu đổi mới, cải tiến, thông tin sẽ trở nên nhàm chán, cũ kỹ, trùng lặp, công chúng không ai muốn đọc. Còn vấn đề tác nghiệp khó khăn, theo tôi biết, có lý do từ cả hai phía. Đó là kết quả của quan hệ hai chiều giữa nhà báo và các đối tượng báo chí muốn gặp gỡ, khai thác, chưa tạo được sự tin tưởng, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
Như thế có nghĩa là hoạt động báo chí bị “thắt chặt hơn” so với trước đây?
Tôi hiểu “thắt chặt hơn” đồng nghĩa với yêu cầu, đòi hỏi đối với báo chí ngày càng cao hơn. Từ chức năng định hướng dư luận cho tới tính chính xác, tính trung thực cũng như đòi hỏi báo chí phải nêu gương trong việc thực thi pháp luật, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp. Là người làm công tác quản lý, tôi không bao giờ nghĩ “thắt chặt hơn” là để bó buộc báo chí, gây khó khăn trong hoạt động của báo chí.
Ông nhận định thế nào về việc chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí hiện nay?
Đưa ra nhận định, đánh giá ngắn gọn về vai trò chống tiêu cực, tham nhũng trên báo chí là hơi khó. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực. Không có sự tham gia tích cực của báo chí thì kết quả đã không thể đạt được như hiện nay, đành rằng kết quả ấy còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng và của nhân dân. Báo chí không chỉ tham gia phát hiện mà trong nhiều trường hợp còn góp phần thôi thúc các cơ quan phải khẩn trương giải quyết các vụ việc.
Có thể khẳng định nhờ sự tích cực chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí mà người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước. Nhưng thưa ông, báo chí chống tiêu cực thường bị coi là “bôi đen”?
| |
Bộ trưởng Phạm Quang Nghị. |
Có thể ví việc báo chí đấu tranh chống tiêu cực với việc bắt sâu, nhổ cỏ dại để cho cây cối trong vườn tươi tốt hơn. Biểu dương người tốt, việc tốt giống như việc nâng niu, trưng bày những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa cho mọi người ngắm nhìn, học theo cách trồng những bông hoa ấy.
Nếu có nhà báo nào, cơ quan báo chí nào nhìn nhận, đánh giá xã hội chúng ta, công cuộc đổi mới ở nước ta không có thành tựu, tiến bộ, chỉ thấy toàn là tiêu cực, mặt trái; nhìn đâu cũng chỉ thấy sâu và cỏ dại; viết mười bài mà cả mười đều không thấy le lói cái hay, cái tốt của con người, của đời sống xã hội thì họ đang bôi đen đất nước, bôi đen con người.
Tôi từng được nghe các đồng chí lãnh đạo một tỉnh phản ánh có những phóng viên thường trú ở địa phương suốt cả chục năm chưa một lần viết về cái hay, cái tốt ở địa phương mà chỉ viết toàn là những cái tiêu cực. Nếu đúng là có nhà báo như vậy thì có thể họ nhiễm phải căn bệnh “bôi đen” hoặc là người chuyên “bới lông tìm vết”, “vạch lá tìm sâu”.
Có ý kiến đã chỉ đạo rằng có lẽ khi phát hiện vấn đề tiêu cực, báo chí phải trao đổi với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Như thế sẽ rất khó phát huy sự chủ động của báo chí trong việc chống tham nhũng, tiêu cực?
Tôi nghĩ nếu có ý kiến như vậy thì cũng là lời khuyên tốt. Trao đổi để biết thêm thông tin. Còn tiếp thu cái gì, viết như thế nào, nhà báo có tư duy độc lập và tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết, chứ không nhất thiết phải viết theo lời khuyên của cơ quan điều tra, truy tố.
Báo chí chống tiêu cực, tham nhũng sẽ tạo sức ép lên những cơ quan, đơn vị, cá nhân có hiện tượng tham nhũng. Thậm chí đụng đến những người có chức, có quyền. Xin hỏi thật, là người đứng đầu cơ quan quản lý báo chí đã khi nào ông gặp phải sự tác động hay sức ép nào đó trước việc báo chí chống tiêu cực?
Khi tổ chức, cá nhân nào đó có tiêu cực, tham nhũng mà bị báo chí phanh phui đương nhiên họ phải lo sợ. Sợ dư luận báo chí và sợ pháp luật rờ tới mình. Họ xứng đáng phải gánh chịu sức ép ấy. Cá nhân tôi chưa từng bị sức ép hoặc tác động nào theo hướng ngăn cấm báo chí chống tiêu cực, tham nhũng.
Tôi muốn chân thành chúc mừng đội ngũ báo chí của đất nước, những người đang có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn, thử thách để góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Mong các bạn kế tục vẻ vang sự nghiệp báo chí cách mạng do Bác Hồ khởi xướng và luôn luôn xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của nhân dân.
(Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Phạm Quang Nghị) |
Nhiều tờ báo nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức thu hút được bạn đọc, góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng lại chưa được biểu dương khen thưởng mà lại bị coi là “thương mại hóa”, ông nghĩ sao về việc này?
Tôi nghĩ là không thể đánh đồng sự đổi mới, hấp dẫn của báo chí với khuynh hướng thương mại hóa được. Thương mại hóa trong báo chí phải được hiểu là bỏ qua tính chân thật, tính giáo dục, tính văn hóa trong thông tin để theo đuổi mục đích bán báo chạy với bất cứ giá nào. Từ đặt tít giật gân cho tới trình bày méo mó, thổi phồng sự việc để hấp dẫn người đọc bằng sự hiếu kỳ có hại.
Giật gân câu khách cũng hoàn toàn khác với sự hấp dẫn chân chính của báo chí bởi cái hay, cái đẹp và tính thuyết phục về nội dung, về phong cách, về văn chương... Không phải mọi tờ báo có số lượng phát hành lớn, có nhiều người đọc đều bị coi là tờ báo có khuynh hướng thương mại hóa.
Là một người từng viết báo, xin hỏi ông thường viết về lĩnh vực nào, thể loại gì? Nếu bây giờ cầm bút, ông sẽ chọn vấn đề gì để viết, vì sao ông lại chọn vấn đề ấy?
Nếu tập hợp những bài báo tôi đã viết thì phần nhiều là các vấn đề lý luận, cổ vũ cho việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Một lĩnh vực khá quan trọng mà tôi thường viết là góp phần giới thiệu những kinh nghiệm tốt từ thực tiễn cơ sở, từ những công việc mình phụ trách. Hiện nay tôi vẫn viết về những vấn đề đó, tuy không thường xuyên.
Xin cảm ơn ông.
Theo Vĩnh Phúc
Tuổi Trẻ