1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không thể cứ lập hội ra rồi đi xin tiền nhà nước!

(Dân trí) - Ngày 19/11, thảo luận tại tổ về Luật hội, nhiều đại biểu lo ngại nội dung khuyến khích tài trợ cho hội dễ bị các tổ chức nước ngoài lợi dụng để chi phối, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Nhiều hội đi xin kinh phí, trụ sở

Phát biểu về Luật hội, đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) cho rằng, phải xem những hội được lập ra có xuất phát từ thực tiễn, từ mong mỏi của nhân dân hay không. Vì gần đây đại biểu nhận thấy có nhiều hội được lập ra chỉ là nơi sinh hoạt của một số cán bộ về hưu, trong khi đó kinh phí hoạt động và trụ sở đều đi xin của nhà nước. Đại biểu Dũng đề nghị trong luật phải quy định cụ thể những gì hội được làm và không được làm.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng cho ý kiến về Luật hội
Đại biểu Bùi Đặng Dũng cho ý kiến về Luật hội

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Binh) đồng ý với việc ra đời Luật hội, vì đây là xu thế cũng như nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu trong luật cần phải quy định rõ những điều kiện đối với việc ra đời các hội.

“Rất nhiều hội được thành lập, hội nào viết tôn chỉ mục đích cũng rất hay, cái nào cũng kêu. Hội nào cũng cho rằng mình quan trọng với xã hội, như vậy để xác định hội nào được hỗ trợ tài chính, hội nào không là rất khó”, đại biểu Phương nói.

Việc khuyến khích tài trợ cho hội khiến đại biểu Phương lo ngại các cơ quan, tổ chức nước ngoài lợi dụng làm những mưu đồ riêng. “Không ai tự nhiên đem tiền cho mình, họ cho mình đều có ý tứ cả. Do vậy, cơ quan, tổ chức nước ngoài tài trợ phải hết sức cân nhắc. Diễn biến hòa bình là từ đây mà ra, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn vì không thể nhận tiền của người ta mà hoạt động theo ý mình”, đại biểu đoàn Ninh Bình nêu băn khoăn.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Diễn (đoàn Đắk Nông) nhận thấy, trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu, nhu cầu lập hội càng nhiều. Để tránh những hội lập ra có mưu đồ riêng, theo đại biểu, trong Luật hội phải quy định rất chặt chẽ, nếu quá trình lập hội mà vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh, tránh để các hội biến tướng, lợi dụng làm những việc ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia.

“Có những hội lập ra do nhu cầu tự thân của một nhóm người nhưng họ lợi dụng danh nghĩa đó để làm chuyện khác. Do vậy, ngoài những hội được nhà nước công nhận, còn những hội khác phải quy định cụ thể trong luật để những hội không phải nhà nước công nhận, như vậy mới đảm bảo được”, đại biểu Lê Diễn đề xuất.

Tầng nấc phân phối, thị trường dược hỗn loạn

Cho ý kiến về Luật Dược sửa đổi, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá thị trường dược tại Việt Nam đang hỗn loạn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó được Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ rõ là do có quá nhiều tầng nấc tham gia phân phối, khi thuốc đến tay người bệnh đã bị đội giá lên rất nhiều lần.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh các loại thuốc đến với người dân không phải cái nào cũng được kiểm tra. “Chúng ta gần như mới chỉ kiểm tra trên giấy tờ nhập khẩu, không kiểm tra được tất cả các mẫu trên thị trường”, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Ngoài ra, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị trong luật cần quy định rõ những biện pháp xử lý nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân làm thuốc giả. Theo bà Lan đây là vấn nạn của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá những phát biểu của bà Lan rất tâm huyết với ngành dược. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang dần khắc phục những tồn tại, trong đó hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thuốc đã được quy hoạch.

Quang Phong