Không thể chần chừ việc cứu thương Rùa Hoàn Kiếm
(Dân trí) - Trong khi các nhà khoa học rất lo lắng về tình trạng sức khoẻ ngày một xấu đi của Rùa hồ Hoàn Kiếm thì Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội vẫn chưa quyết được phương án cụ thể để chữa bệnh cho Rùa.
Với hàng trăm tấm ảnh và rất nhiều tư liệu ghi chép về sức khoẻ của cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm trong thời gian gần đây, PGS Hà Đình Đức khẳng định, cá thể này đang bị những thương tích rất nặng nề ở thân mình. Vì thế cần thực án ngay những biện pháp “cấp cứu” để tình hình không diễn biến xấu thêm.
Nhiều tư liệu thực tế của báo chí và các nhà khoa học khác trong thời gian gần đây cũng cho thấy, ngoài vết thương trên cổ, phần mai cũng xuất hiện nhiều vết thương nham nhở, không loại trừ khả năng Rùa còn mắc thêm các bệnh bên trong như viêm phổi do vi khuẩn. Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định sức khoẻ của Rùa Hồ Gươm đang ở mức đáng lo ngại. Vấn đề cấp thiết phải làm ngay là thống nhất và triển khai phương án chữa bệnh cho Rùa. Mọi sự chậm trễ trong điều trị đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong tương lai.
Đa số chuyên gia thú y, thủy sản trong nước đều cho rằng, cần đưa Rùa lên khỏi mặt nước, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để có thể đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc bôi bên ngoài và thuốc trộn với thức ăn để điều trị nội thương. Tuy nhiên, ý kiến của chuyên gia quốc tế lại cho rằng, nên chữa trị tại chỗ để tránh sốc. Cùng đó kết hợp với cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm nặng nề khiến các vết thương của Rùa ngày càng nghiêm trọng…
Nhưng thực tế, cho đến thời điểm này, không rõ vì lý do gì Sở Khoa học- Công nghệ vẫn chưa thể đưa ra quyết sách điều trị cho Rùa mà chỉ có thể hứa: “Trong thời gian tới, những gì có thể làm được sẽ được làm ngay. Sớm nhất là cải thiện môi trường nhằm giảm chướng ngại vật có thể gây thương tích cho cụ Rùa, nạo vét lòng hồ...”.
Đóng góp thêm ý kiến để cải tạo môi trường sống cho Rùa Hoàn Kiếm, TS Đặng Gia Tùng, Giám đốc vườn thú Hà Nội cho rằng cần tiến hành ngay việc bổ sung nước cho hồ Hoàn Kiếm đang trong tình trạng rất cạn. Việc này đã từng được UBND thành phố Hà Nội thực hiện năm 2003. Cùng với việc cải tạo lòng hồ, dọn dẹp chướng ngại vật cứng, sắc, nhọn có thể là nguyên nhân gây tổn thương khi Rùa di chuyển ông Tùng cho rằng phải cải tạo lại hệ thống kè xung quanh hồ, tạo điều kiện để Rùa phơi nắng, loại trừ nấm mốc.
“Phần kè ở chân tháp rùa cũng đã được cải tạo bằng nền xi măng rất cứng, nên Rùa không thể di chuyển đến nghỉ ngơi. Tất cả những hình ảnh ghi nhận Rùa nổi đều cho thấy không có ở vị trí tháp rùa. Trong khi đáng lẽ đây là khu vực để rùa bò lên phơi nắng lý tưởng nhất. Vấn đề tiêu diệt rùa tai đỏ cũng cần lập tức tiến hành, bởi đây là sinh vật ảnh hưởng xấu đến việc phục hồi thương tích của Rùa Hoàn Kiếm”- ông Tùng nói.
P. Thanh