"Không thể bỏ từ 'xã hội hóa y tế'"

Thế Kha

(Dân trí) - "Ta có thể suy nghĩ để thiết kế nội hàm xã hội hóa khác đi chứ không thể bỏ từ "xã hội hóa y tế" được. Nghị quyết Trung ương nói đi nói lại mãi rồi"- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Cho ý kiến về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 21/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đến thời điểm hiện tại một số nội dung lớn của dự thảo còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan; một số chính sách mới được ban soạn thảo đề xuất bổ sung nhưng chưa có đánh giá tác động.

"Tôi thấy luật này rất cấp bách, là yêu cầu của nhân dân, của đội ngũ y tế mong ngóng có thể nói là từng ngày, từng giờ; mong đợi có một luật mới, một khuôn khổ mới để hoạt động cho dễ hơn"- ông Định nói.

Không thể bỏ từ xã hội hóa y tế - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Phạm Thắng).

Qua đợt chống dịch Covid-19 chúng ta đã thấy những sự hy sinh không thể tính được hết, không có gì có thể sánh được với sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế trong cả lịch sử từ xưa đến nay.

"Hy sinh gian khổ không kém gì chiến trường. Đội ngũ cán bộ y tế, các bệnh viện, các cơ sở y tế rất kỳ vọng ở luật này, ban hành được sớm thì rất tốt nhưng cũng không nên vội vàng. Ban hành sớm khắc phục được một số hạn chế hiện nay nhưng lại phát sinh những hạn chế mới thì có khi lại khó khăn hơn"- Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Ông Định đề nghị dành thời gian cho Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mới đảm nhận chức vụ chưa lâu huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ các cơ quan cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia vào dự án luật này.

Ông Định cho rằng nếu phấn đấu để cuối tháng 6/2023 thông qua được luật thì rất tốt.

Dù vậy, lãnh đạo Quốc hội nêu thực tế dự án luật này đã "làm mấy năm nay rồi" và cũng trên "cơ sở nền cũ, cách nghĩ cũ, cách làm cũ". "Bây giờ có đồng chí Bộ trưởng mới thì có thể có những sáng kiến mới, có tư duy mới và với tư cách là người ở ngoài ngành nhìn vào có những yêu cầu cao hơn"- ông kỳ vọng.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghị quyết 20 vẫn nói "xã hội hóa" nhưng gần đây trên diễn đàn một số ý kiến nói là không nên dùng từ "xã hội hóa" cho y tế.

"Ta có thể suy nghĩ để thiết kế nội hàm xã hội hóa khác đi chứ không thể bỏ từ "xã hội hóa y tế" được. Nghị quyết Trung ương nói đi nói lại mãi rồi, bây giờ lại bảo trong y tế không có xã hội hóa thì không được, bao nhiêu khối y tế tư nhân làm như thế và có hiệu quả chứ có phải không đâu. Đội ngũ y tế thì cả công, cả tư đều có đóng góp cho xã hội"- ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.

Nêu ra thực trạng đội ngũ y tế "chạy từ công sang tư", ông Định nhấn mạnh: "Tôi cho rằng chảy máu chất xám nhưng vẫn ở trong quốc gia mình, vẫn đất nước mình, nhân dân vẫn được hưởng. Đấy là do cơ chế, chính sách công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, có chạy sang Tây đâu mà sợ. Mình phải sửa chính sách công đi để giữ được cán bộ".

Ngay cả các đơn vị cơ quan hành chính nhà nước cũng  vậy, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thông tin  là có những vụ phó, trưởng phòng cũng xin ra ngoài làm nếu chế độ, chính sách, ứng xử không phù hợp.

"Luật sửa đổi ban hành phải có tuổi thọ"

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng trong thời gian qua chúng ta đã thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề xã hội hóa.

"Chúng tôi xin phép tiếp thu ý kiến các đồng chí xem nội hàm xã hội hóa ở đây như thế nào và giải quyết được những vấn đề gì trong thực tiễn. Chúng tôi nghĩ đây cũng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân"- bà Lan cho hay.

Không thể bỏ từ xã hội hóa y tế - 2

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo bà, mặc dù xã hội hóa nhưng liên quan đến y tế công lập vẫn là chủ yếu bởi hiện nay khoảng 95-98% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. "Mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa nhưng vai trò của nhà nước trong vấn đề đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực y tế vẫn là trọng tâm"- lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực để luật này được thông qua.

"Còn một tháng nữa thì Quốc hội khai mạc kỳ họp, tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, các ngành có liên quan, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ,… thật sự quan tâm, tích cực vào cuộc, hết sức quyết liệt trong 10 bữa, nửa tháng gì đó để hoàn chỉnh luật này trên tinh thần như đại biểu Quốc hội mong muốn là phải thông qua, nhân dân mong đợi"- ông Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật có tính chất xương sống của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy chúng ta mong ban hành luật sớm nhưng không vội vàng, phải chuẩn bị có chất lượng, kỹ lưỡng, luật sửa đổi ban hành phải có tuổi thọ, không thể ban hành năm nay rồi năm sau tiếp tục sửa.