1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không sử dụng một số loại hải sản: "Thôi cứ nhịn cho lành"

(Dân trí) - Mặc dù vùng biển Nghệ An nằm ngoài khu vực ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển liên quan đến hoạt động xả thải của Formosa nhưng hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản bị ảnh hưởng nặng nề do tâm lý e ngại của người dân. Nhiều tiểu thương chỉ dám buôn bán cầm chừng, thậm chí phải cắm sổ đỏ để chi phí cho sinh hoạt và học hành của con cái.

Tiểu thương buôn bán hải sản khốn đốn

Sự việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) xả thải trái phép ra biển gây nên sự cố môi trường 4 tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế xảy ra hơn 5 tháng nhưng nhiều người dân ở Nghệ An vẫn chưa dám sử dụng hải sản trong bữa cơm gia đình, mặc dù Nghệ An nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của sự cố môi trường này.

Nhiều gian hàng bán cá biển không có khách mua.
Nhiều gian hàng bán cá biển không có khách mua.

Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: “Từ khi có thông tin về ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh gia đình tôi không dám ăn cá, tôm gì nữa mặc dù từ trước tới nay hải sản là thức ăn chủ yếu, mỗi tuần cũng phải ăn đến 3-4 bữa. Lúc thì thấy họ bảo là ăn được, an toàn, khi lại bảo là chưa an toàn, thôi cứ nhịn đi cho lành”.

Chị Lý Thị Thúy (xã Nghi Phú, TP Vinh) cũng không dám mua cá biển về ăn từ khi xảy ra sự kiện Formosa vì sợ cá bị nhiễm độc. Thậm chí, cách đây chưa đến 1 tháng, gần nhà chị có người tử vong sau khi ăn rạm biển, nỗi sợ hãi càng tăng lên gấp bội.

“Sau khi báo chí vào cuộc mới biết người trong xã tử vong do bị nhiễm trùng máu chứ không phải do rạm bị nhiễm độc chì, mình cũng được giải tỏa về tâm lý nên mua bữa cá trích về rán vì đây là món khoái khẩu của cả nhà. Hôm qua lại nghe thông tin một số loại hải sản chưa nên ăn. Nói thật, người dân như chúng tôi làm sao phân biệt được cá nào ở tầng đáy, cá nào ở tầng mặt, cá nào được đánh bắt ở khu vực trong hay ngoài 20 hải lý?”, chị Thúy cho hay.

Tại các khu chợ ở TP Vinh, lượng người mua hải sản cũng rất thưa thớt trong khi đó hàng thủy sản lại hút nhiều khách hơn.

Phe phẩy chiếc que xua đuổi ruồi, chị Nguyễn Thị Thu buồn thiu: “Mấy tháng nay không buôn bán được gì cả. Cá chúng tôi bán là cá được đánh bắt ở khu vực biển Cửa Lò, ngoài khu vực ảnh hưởng của Formosa nhưng khách hàng họ không tin. Nếu trước đây được 10 phần thì giờ thu nhập chỉ được 1-2 phần. Cứ kéo dài như thế này thì chúng tôi không biết lấy gì mà sống rồi còn lo học hành của các con”.

Hoặc lượng khách mua rất ít, chỉ bằng 1/10 so với trước kia.
Hoặc lượng khách mua rất ít, chỉ bằng 1/10 so với trước kia.

Đầu năm học mới, các khoản đóng góp của các con lên tới 4-5 triệu trong khi nghề bán cá mấy tháng nay không sinh lãi rồi tiền sinh hoạt phí “lạm” vào tiền vốn khiến chị Thu phải tính đến việc cắm sổ đỏ để chi trả các khoản.

Gian hàng tôm biển, mực, sò của chị Nguyễn Thị Hòa (thị xã Cửa Lò) cũng không có mấy người mua hoặc nếu có hỏi đến cũng ép giá xuống chỉ còn phân nửa. Đặc biệt, trong buổi chợ chiều ngày 21/9, sau khi có thông tin từ Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng tôm, ghẹ và một số hải sản ở biển miền Trung thì gần như hàng của chị Hòa không có khách mua.

Thau ghẹ của chị Trần Thị Nguyệt (tiểu thương chợ Quán Bánh, TP Vinh) dường như vẫn đầy như khi mới bắt đầu buổi chợ chiều. “Trước đây mỗi ngày bán được 5 yến thì giờ họa hoằn lắm mới bán được 5-7kg, gần như không có lãi. Không có người mua nhưng cũng phải đi bán, mong gặp may thôi chứ ngồi nhà càng chết, đi để còn giữ khách, giữ nghề”, chị Nguyệt thở dài.

Chị Thu buồn thiu khi hải sản ế ẩm, người dân chọn cá ao, cá sông thay vì cá biển như trước đây.
Chị Thu buồn thiu khi hải sản ế ẩm, người dân chọn cá ao, cá sông thay vì cá biển như trước đây.

Trong danh mục các loại hải sản được Bộ Y tế khuyến cáo không có cá thu nhưng gian hàng cá thu của chị Võ Thị Hà (trú ở Cửa Hội, thị xã Cửa Lò) cũng họa hoằn lắm mới có khách hỏi mua. “Cá thu đánh bắt cách bờ 300-400 sải nước, có nằm trong khu vực bị nhiễm độc đâu. Nhưng người dân mình làm sao mà biết được là cá đánh bắt trong hay ngoài 20 hải lý như cơ quan chức năng nói nên họ e ngại, không mua.

Nếu như trước đây mỗi buổi chợ tôi bán 50kg cá thu thì giờ chỉ bán được 1/10 như thế. Người mua ít, tất nhiên giá cũng hạ, rồi tiền xăng xe nữa, nhiều khi bước chân ra đi là biết bị lỗ nhưng không đi không được, mấy chục năm cả nhà tôi sống nhờ các buổi chợ rồi, giờ cũng không biết chuyển sang nghề gì mà sống”, chị Nguyệt chán nản.

Hoàng Lam