Không quân hải quân tác chiến trên biển thế nào?
Ngoài việc thực hiện một khối lượng lớn các nhiệm vụ trên biển, không quân hải quân còn thực hiện nhiệm vụ che chắn, chi viện hỏa lực cho các lực lượng khác trong quân chủng hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 3/7/2013, Bộ Quốc phòng bàn giao Lữ đoàn Không quân 954 từ Quân chủng Phòng không Không quân về Quân chủng Hải quân.
Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 có thể thực hiện được các nhiệm vụ: Tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước; tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt.
Đây là bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và quân chủng Hải quân nói riêng.
Ngày 3/72013, Quân chủng Hải quân thực sự có bước phát triển mạnh mẽ xét trên quan điểm chiến lược phòng thủ vùng biển và vùng trời.
Lữ đoàn không quân Hải quân, với nhiệm vụ khởi đầu hữu hạn như chống ngầm, trinh sát, tuần biển và cứu hộ cứu nạn, là sự mở đầu cho những nhiệm vụ mang tầm chiến lược: đưa Hải quân Việt Nam trở thành lực lượng quân sự hải dương hùng mạnh, bảo vệ vững chắc lợi ích của quốc gia, dân tộc và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại hải dương trên các vùng biển lớn.
Trong lịch sử phát triển của các cường quốc Hải quân thế giới, để duy trì và quản lý biển khơi, bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc, không thể thiếu lực lượng không quân Hải quân.
Với tầm tác chiến xa hàng nghìn km so với đất liền, với khả năng hiệp đồng binh chủng cùng với các hạm đội khác, không quân Hải quân đóng vai trò quyết định trong hiệu quả tác chiến trên ba tầng không gian, bầu trời, mặt nước và dưới mặt nước.
Từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, không quân Hải quân đã có vị thế mà lực lượng Không quân không thể thay thế được. Đó là khả năng chống ngầm, tấn công các mục tiêu trên biển và trên đất liền, khả năng phản ứng nhanh, linh hoạt ngay từ thời điểm đầu của cuộc chiến tranh.
Một ví dụ điển hình, Nhật Bản đã thành công rất nhanh khi sử dụng không quân hải quân tấn công quân đội Mỹ, và cũng sụp đổ rất nhanh khi mất đi các tàu sân bay và lực lượng không quân hải quân của mình.
Trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ sau này, đều có sự tham gia tích cực của lực lượng không quân hải quân.
Không quân hải quân hiện đại ngày nay có khả năng thực hiện khối lượng những nhiệm vụ chiến đấu lớn hơn nhiều lần so với các binh chủng khác trong hạm đội. Không quân Hải quân trong thực hiện các nội dung công tác thường có tính đa dụng, đa nhiệm và nhanh chóng.
Trong biên chế của lực lượng không quân hải quân có các đơn vị chuyên biệt như lực lượng không quân tên lửa, lực lượng không quân chống ngầm, lực lượng không quân cường kích, lực lượng không quân trinh sát và cảnh báo sớm, chỉ huy điều hành tác chiến đường không, lực lượng không quân tiêm kích và các đơn vị vận tải hậu cần kỹ thuật, đảm bảo đường không và cứu hộ cứu nạn.
Những lực lượng này đã tăng cường thêm tính đa dạng của nhiệm vụ được giao cũng như các lĩnh vực mà không quân hải quân thực hiện các nội dung công tác.
Những định hướng chiến lược phát triển Học thuyết quân sự hải dương của các cường quốc quân sự hiện nay (Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Anh, Pháp) đều nêu rõ, các hạm đội lớn được cấu thành từ tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa, tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm, tàu sân bay, tàu đổ bộ đường biển và các chiến hạm đa nhiệm, không quân HQ tên lửa và chống ngầm, không quân tuần tiễu, trinh sát và tác chiến điện tử, ở những vùng biển gần, các hạm đội được tăng cường thêm các đơn vị tàu tuần biển đa nhiệm, tàu rải quét thủy lôi, các tàu ngầm diesel – điện, các lực lượng tên lửa – pháo binh bảo vệ bờ biển, hải đảo và không quân cường kích, đồng thời chú trọng các lực lượng hậu cần kỹ thuật như các phân đội tàu vận tải, các phi đoàn máy bay vận tải, y tế tiền phương và cứu hộ cứu nạn.
Từ những định hướng phát triển chiến lược của không quân Hải quân, có thể thấy rõ, tùy theo mục đích yêu cầu chính trị đối ngoại và chiến lược phát triển Hải quân của từng quốc gia mà lực lượng không quân hải quân các nước có biên chế khác nhau.
Các nước có lực lượng hải quân viễn chinh thông thường có nhu cầu phát triển không quân tiến công trên tàu sân bay. Các nước có tiềm lực quân sự nhỏ hơn, để quản lý vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo thì chủ yếu phát triển không quân hải quân có căn cứ, sân bay trên hải đảo hoặc bờ biển, các lực lượng cất cánh trên boong chủ yếu là máy bay trực thăng làm các nhiệm vụ khác nhau trên các chiến hạm từ hộ vệ tên lửa đến tuần dương hạm hoặc tàu đổ bộ.
Trong một cấp độ nào đó, sự phát triển của Hải quân có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu biên chế tổ chức và mục đích yêu cầu của không quân hải quân. Ví dụ: khi các lực lượng hải quân đang bắt đầu những bước đầu tiên của tiến trình hiện đại hóa, các máy bay tác chiến tầm xa của quân chủng Không quân như không quân tên lửa, không quân chống ngầm, trinh sát và tác chiến điện tử, chỉ huy trên không (hoặc một số các đơn vị trực thăng chiến đấu – công tác) có khả năng độc lập thực hiện các nhiệm vụ được giao và không nằm trong biên chế chính thức của hải quân).
Những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho không quân Hải quân trong thời chiến:
- Trinh sát đường không tầm xa, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và chỉ huy đường không mọi hoạt động tác chiến cấp chiến dịch, chiến thuật.
- Chiếm lĩnh và khống chế bầu trời trong khu vực tác chiến của lực lượng hải quân, ngăn chặn và tiêu diệt mọi nguy cơ tiến công đường không của lực lượng không quân đối phương;
- Thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát và cảnh báo sớm. tác chiến điện tử và hỗ trợ thông tin liên lạc giữa các lực lượng tham gia tác chiến và chỉ huy cấp cao. Phát hiện, cảnh báo và tiêu diệt các mục tiêu không kích từ tầm xa;
- Phong tỏa các khu vực biển, eo biển, vịnh và các vùng biển hẹp, ngăn chặn chiến hạm, tàu địch từ khu vực phong tỏa cơ động ra biển lớn;
- Yểm trợ và chi viện hỏa lực cho các lực lượng đổ bộ đường biển, các lực lượng bộ binh trong khu vực ven biển;
- Tiêu diệt các chiến hạm đối phương trên biển lớn.
- Trinh sát tìm kiếm tàu ngầm và tham gia truy quét, tiêu diệt các tàu ngầm đối phương trong khu vực được giao.
- Tấn công các mục tiêu ở hải cảng, căn cứ quân sự ven biển và các sân bay ven biển….
Ngoài những nhiệm vụ chiến đấu, không quân hải quân thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, tuần biển, vận tải, cứu hộ và trong một số trường hợp điều kiện thời bình, biểu dương sức mạnh răn đe, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải hoặc khu vực kinh tế của đất nước, tham gia diễn tập chung thực hiện nhiệm vụ chính trị - đối ngoại hải quân.
Có những lý luận cho rằng, không quân tên lửa và không quân cường kích nên nằm trong biên chế của quân chủng Không quân (lực lượng không quân tầm xa) và thực hiện các hoạt đông tác chiến như một lực lượng độc lập, hiệp đồng quân chủng với Hải quân theo kế hoạch tác chiến, tấn công các mục tiêu trên biển theo nhiệm vụ đươc giao. Viện dẫn từ điều này được trích từ các hoạt động tác chiến của lực lượng không quân hải quân Mỹ và lực lượng không quân tầm xa Mỹ trong các cuộc xung đột khu vực.
Xét từ góc độ chiến tranh hiện đại, rõ ràng không quân tên lửa (các máy bay đa nhiệm như Su – 30 MK. Su – 22M4, thì máy bay mang tên lửa và cường kích là xương sống của sức mạnh hải quân – năng lực của tác chiến hiệp đồng binh chủng trong quân chủng.
Nếu như không quân hải quân mất đi lực lượng công kich tầm xa và tầm trung, các phương tiện mang tên lửa và bom điều khiển, các phi đội máy bay tiêm kích đánh chặn, lúc đó không quân hải quân mất đi sức mạnh của lực lượng tấn công chủ lực, đồng thời xương sống của sức mạnh hải quân cũng sẽ tan rã.
Đáp án cho câu hỏi, không quân hải quân là trụ cột sức mạnh của hạm đội không gây lên sự nghi ngờ của bất cứ ai. Ngoài việc thực hiện một khối lượng lớn các nhiệm vụ trên biển, không quân hải quân còn thực hiện nhiệm vụ che chắn, chi viện hỏa lực cho các lực lượng khác trong quân chủng hoàn thành nhiệm vụ.
Vấn đề đặt ra, các binh chủng của quân chủng không quân có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản như đã nêu trên hay không, câu trả lời đã khá rõ nét. Việc sử dụng các lực lượng của quân chủng không quân nhằm giải quyết các nhiệm vụ trên biển, hiệp đồng với haỉ quân cho hiệu quả rất thấp hoặc hoàn toàn không có hiệu quả.
Trong tương lai, khả năng xảy ra chiến tranh thế hệ thứ 4+ (chiến tranh phi tiếp xúc dồn nén thời gian và công nghệ điều khiển học, tự động hóa cao độ trên cả 4 vùng không gian tác chiến (vũ trụ, không trung, mặt biển và dưới mặt biển) thì việc sử dụng lực lượng không quân trong nhiệm vụ tác chiến không – hải trên biển cũng không có hiệu quả tối ưu.
Với điều kiện phát triển của lực lượng vũ trang nói chung và hải quân nói riêng, những suy luận đã nêu hoàn toàn có cơ sở trên phương diện tấn công mục tiêu với góc nhìn của một chiến trường “không kích toàn bộ” trên bản đồ. Nhưng không phải là tự nhiên khi chương trình huấn luyện phi công tiên tiến có định hướng rất rõ, huấn luyện chuyên sâu theo chức năng nhiệm vụ và phương tiện kỹ thuật cũng như môi trường tác chiến (tiêm kích, cường kích chống tàu, máy bay ném phong điều khiển, tên lửa không đối đất. Hoàn toàn không có khả năng đào tạo được một phi công đa dụng ngay cả trong môi trường tác chiến. Ví dụ: Su – 27 tùy theo khoảng cách, vũ khí tên lửa mang (Yakhont, Moskit hoặc Uran – E) có thể có tầm bay chiến đấu khác nhau, hoặc trên tầm bay 3000 km, hoặc bay thấp tránh ra đa trong vùng tác chiến, bay phối hợp hỏa lực tên lửa hạm đội và hỏa lực không quân tên lửa.
Đây là những vấn đề huấn luyện vô cùng phức tạp từ lý thuyết đến thực tế hành động, không chỉ riêng mỗi lực lượng phi công, mà còn cả đơn vị, từ ban chỉ huy, lực lượng điều hành chỉ huy bay, các đơn vị kỹ thuật, hậu cần công binh. Một ví dụ khác cũng không kém phần quan trọng: Lực lượng không quân chống ngầm bao gồm cả máy bay chống ngầm (máy bay trinh sát chống ngầm, trực thăng chống ngầm, chiến hạm chống ngầm, tàu ngầm – nếu trong trường hợp phát hiện tàu ngầm diesel - điện, máy bay chống ngầm cánh quạt hoặc trực thăng chống ngầm có thể phối hợp tiêu diệt được, nhưng trong không gian tác chiến rộng hơn, mục tiêu có thể là tầu ngầm nguyên tử đa nhiệm hoặc cụm tàu ngầm diesel – điện hoặc có sự phối hợp giữa không quân hải quân đối phương – nhiệm vụ tác chiến rõ ràng đã mở rộng, cần có sử phối hợp của cả không quân tiêm kích hải quân và không quân tên lửa mang tên lửa chống ngầm Club).
Trong tương lai không xa, tác chiến không biển sẽ không đơn thuần là không quân – hải quân theo nghĩa hiểu đơn giản của nó, tham gia vào vòng xoáy công nghệ thống lĩnh hải dương sẽ là các máy bay không người lái mang vũ khí (tên lửa chống tàu hoặc tên lửa, bom có điều khiển) có thể cất cánh trên tàu sân bay, cất cánh thẳng đứng, sử dụng 1 lần như một robot tên lửa hành trình hoặc sử dụng nhiều lần. Tức là những đặc trưng của tác chiến không hải sẽ càng ngày càng sâu đậm và đa dạng hơn. Lực lượng không quân hải quân cũng càng ngày càng chuyên biệt hơn.
Từ những cơ sở lý luận đã nêu, có thể cho thấy. Không quân hải quân không đơn thuần là lực lượng không quân tác chiến trên mặt biển. Đây hoàn toàn là một lực lượng chiến đấu – một binh chủng, một hệ thống tác chiến chủ lực của hải quân, song hành cùng với các hạm đội. Môi trường tác chiến đóng vai trò quyết định sự hình thành các lực lượng tấn công chủ lực, như lực lượng không quân tên lửa tầm xa và tầm trung, lực lượng không quân tiêm kích, lực lượng không quân không người lái, lực lượng không quân chống ngầm, lực lượng không quân chiến thuật… trong một biên chế tổ chức chung của không quân hải quân thuộc quân chủng Hải Quân.
Do bản thân Không quân Hải quân có được những tính năng vô cùng quan trọng của tác chiến hiện đại: khả năng cơ động rất cao, khả năng nhanh chóng tập trung lực lượng vào những hướng quan trọng, khả năng nhanh chóng phục hồi năng lực chiến đấu và quay trở lại khu vực tác chiến (nhanh chóng bổ xung vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật), khả năng chiến đấu hiệu quả trong mọi môi trường – trên không, trên biển, dưới biển, ven biển. Đồng thời mọi đơn vị Trinh sát – cảnh báo sớm – chỉ huy trên không, không quân tên lửa, không quân chống ngầm, không quân tiêm kích, không quân cường kích, không quân vận tải và y tế, kỹ thuật, hậu cần sẽ đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong