Không phát triển công nghệ cao theo… phong trào
(Dân trí) - Tập trung nghiên cứu công nghệ cao (CNC) hay ứng dụng CNC để phát triển, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm CNC như thế nào, đầu tư CNC theo hướng nào,... là những vấn đề được quan tâm nhất trong buổi thảo luận của Quốc hội về dự án luật Công nghệ cao.
Không hẳn chi phí lớn
Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) đưa ra số liệu: số đơn sáng chế đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ năm 2007 chỉ bằng 1/9 so với ở nước ngoài. Đơn sáng chế xin bảo hộ ở tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới của Trung Quốc gấp 1 nghìn lần ta, Nhật gấp 5 nghìn, Malaixia gấp trên 20 lần… Từ đó ông Danh đề nghị, luật cần có chính sách mạnh để khuyến khích phát triển nhanh nguồn tài sản vô hình này nhằm tăng cường khả năng và hòa nhập kinh tế quốc tế.
Cũng theo ông Danh, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới cho rằng, tiêu chí để xác định công nghệ cao là hàm lượng RD trong sản phẩm. Chi phí dành cho RD phải cao hơn 4% tổng doanh thu của doanh nghiệp và rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện như vậy... Ông Danh đề nghị, luật của ta cần có mức sàn cụ thể, ít nhất phải bằng 5% nhằm thể hiện sự quan tâm đến công nghệ cao.
Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) bổ sung, nên quy định hằng năm Nhà nước chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho hoạt động CNC vào luật, để các cơ quan quản lý điều hành dễ phân bổ cho nghiên cứu là bao nhiêu? ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp CNC là bao nhiêu?
Coi luật như một bệ phóng cho nền khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã đặt ra nhiều vấn đề. Ông cho rằng, CNC theo tinh thần của luật đòi hỏi chi phí lớn, tuy nhiên trong thực tế không hẳn như vậy. Công nghệ sinh học với nguyên liệu là các nông phẩm nhiệt đới như bột sắn, bột ngô… nhưng lại có thể tạo ra hàng loạt các chế phẩm đắt tiền như vitamin, kháng sinh, văcxin. “Không có lý gì mà một nước có dân số đứng thứ 13 thế giới cho đến nay chưa làm được một chút nào vitamin, một chút nào kháng sinh, chúng ta chỉ có nhập nguyên liệu rồi về bào chế thôi”, ông Dũng băn khoăn.
Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) tỏ sự đồng tình với qui định về Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, bà Phương Anh bổ sung thêm thêm vấn đề thu hút vốn đầu tư của nước ngoài và tư nhân, nhất là khi Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn đầu tư.
Tránh lặp lại tình trạng của đề án 112
Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, các địa phương phát triển công nghệ theo kiểu phong trào, chủ yếu kêu gọi được đầu tư CNC chỉ để hưởng ưu tiên, ưu đãi của nhà nước. Bà đề nghị, tập trung ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng công nghệ cao 21 khu công nghệ cao ở 9 tỉnh, thành phố thực sự có hiệu quả, áp dụng cho được vào cuộc sống. Sau năm 2010 tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng ở các địa phương khác. Không nên đầu tư tràn lan nhưng rồi hiệu quả kinh tế không cao.
Đồng tình với yếu tố quyết định phát triển CNC là nhân lực, song đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cho rằng, phải xây dựng các dự án với các tiêu chuẩn, định mức rõ ràng để có thể được xem xét đánh giá chính xác, khả thi, tránh tình trạng giống như đề án 112
Đại biểu Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên - Huế) băn khoăn với qui định “Chuyên gia công nghệ cao trong nước đảm nhận những nhiệm vụ tương đương với chuyên gia nước ngoài thì được hưởng những điều kiện làm việc cũng như các vấn đề khác giống như chuyên gia nước ngoài". Ông cho rằng cần phải làm rõ khái niệm thế nào là chuyên gia CNC nước ngoài và ở nước nào, chuẩn mực như thế nào. Cụ thể như vậy mới có thể hiểu về khái niệm tương đương của các chuyên gia CNC trong nước với chuyên gia công nghệ cao nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) xác định, nước ta nghèo, doanh nghiệp lại nhỏ, tổng số tiền nghiên cứu khoa học của ta năm 2005 chỉ bằng 1,1% của nước Mỹ nên rất khó để nghiên cứu và đưa CNC vào. Theo ông Vang, chúng ta nên học kinh nghiệm của một số nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc khi còn nghèo thì ứng dụng công nghệ cao để phát triển.
Cấn Cường