Không pháo hoa, giao thừa đậm chất văn hoá Việt
(Dân trí) - Đêm giao thừa Tết nguyên đán Đinh Dậu, các tỉnh, thành phố vắng ánh sáng rực rỡ của những chùm pháo hoa nhưng Hội An vẫn lung linh sắc màu lễ hội ánh sáng trong không gian phố cổ, Huế trầm mặc trong giờ phút thiêng liêng chuyển giao đất trời...
Tại Hội An (Quảng Nam), lần đầu tiên ánh sáng laze nghệ thuật được trình diễn trên những bức tường rêu phong phố cổ.
Những màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật đẹp kỳ diệu khắp không gian phố cổ ở khu vực Chùa Cầu, Công viên Kazik, góc phố Lê Lợi - Nguyễn Thái Học...ngay sau khi tiếng pháo thăng thiên cùng tiếng chuông đồng vọng từ các di tích, đình chùa rộn rã báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới náo nức lòng người. Trước đó, tại Quảng trường Sông Hoài, chương trình biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa, chào Xuân Đinh Dậu 2017 thu hút đông đảo người xem với các tiết mục đậm chất bản sắc văn hóa địa phương.
Rất nhiều du khách nước ngoài cùng đón Tết cổ truyền của Việt Nam với người dân Hội An, cùng chúc nhau mọi điều tốt đẹp khi năm mới vừa sang, tràn đầy hy vọng. "Rất sáng tạo! Rất ấn tượng! Tôi đã cảm ơn người bạn giới thiệu cho tôi thành phố này trong kỳ nghỉ của tôi. May mắn là tôi còn được đến đây Tết của người Việt Nam" - Emilia, một du khách người Đức, chia sẻ cảm nhận khi vừa trải nghiệm thưởng lãm lễ hội ánh sáng và đón giao thừa Tết nguyên đán ở Hội An.
Huế, người dân được thưởng thức một "phút giao thừa lặng lẽ", trầm mặc, đúng chất cố đô.
Nhiều địa điểm như tại Bia Quốc Học, Quảng trường Ngọ Môn có nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm phục phục vụ người dân địa phương và du khách, thế nhưng ở đây vẫn rất ít người đến xem. Các địa điểm vui chơi khác trong thành phố như các quán café, quán ăn vặt… đã đóng cửa từ sớm, chỉ có một số ít quán vẫn còn mở cửa đón khách nhưng lương khách vẫn rất thưa thớt.
Bạn Nguyễn Thị Kim Anh (sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Huế) thì lại chọn cho mình cách đón giao thừa cùng vui chơi với bạn bè tại quảng trường Ngọ Môn chia sẻ: “Mình thấy không khí hôm nay rất đẹp nên mình cùng các bạn đã hẹn nhau ra đây để đón Giao thừa. Dù năm nay không có bắn pháo hoa nhưng tụi mình cũng muốn cảm nhận không khí và thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới”.
Trái lại tại khu vực phố Tây ở đường Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu… không khí lại rất đông vui, náo nhiệt. Nhiều du khách thập phương quốc tế cũng muốn trải nghiệm không khí Tết của phương Đông nên đã có nhiều hoạt động chào đón cùng người dân địa phương. Có du khách nước ngoài tại phố Tây, đường Phạm Ngũ lão đã chọn cho mình trang phục truyền thống của người Việt Nam là áo dài để mặc trong đêm giao thừa hôm nay.
Một số nhà người dân cũng đã bắt đầu chuẩn bị mâm cúng Giao thừa từ sớm với nhiều bánh trái, xôi chè, đồ vàng mã để đợi đến khoảnh khắc giao thừa. Đây là một trong những nghi thức truyền thống của nhiều người dân Việt Nam với ý nghĩa kết thúc một năm cũ, mang đi mọi điều không may và chào đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và tốt đẹp.
Chị Trần Thị Sương (phường Trường An, TP Huế) đang tất bật chuẩn bị mâm cúng đêm 30 chia sẻ: “Tết đến ai cũng mệt cả do phải lo cúng quẩy từ sáng đến tối. Năm nay cũng thấy buồn vì không có bắn pháo hoa. Nhà chị lúc nào cũng nhộn nhịp chuẩn bị trước 1 tiếng để đợi đến khoảnh khắc Giao thừa. Đây cũng là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau và cùng mong nhiều điều may mắn, hạnh phúc trong năm mới”.
Thời khắc đón Giao thừa năm mới 2017 tại Huế
Tại Đà Nẵng, Nhà hát Trưng Vương phối hợp với UBND quận Sơn Trà tổ chức chương trình nghệ thuật đêm giao thừa Mừng Đảng đón Xuân 2017.
Chương trình bắt đầu từ lúc 22h ngày 27/1 (30 Tết), kéo dài đến 0h15 ngày 28/1 (tức mồng 1 Tết), tại khu vực công viên cầu Rồng đường Trần Hưng Đạo thu hút người dân đổ về đây xem, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bạn Thanh Thảo (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Năm nay không bắn pháo hoa nhưng không vì thế mà không khí đón giao thừa kém vui. Từ đầu buổi tối, nhóm chúng tôi tập trung vui chơi ở đường hoa bên cầu Rồng, rồi sau đó di chuyển đến xem chương trình nghệ thuật đêm giao thừa để chúng mọi người đón giao thừa.
Mặc dù đã 23h30 nhưng các quán nhậu dưới chân cầu Rồng vẫn đông kín người. Tương tự, ở vườn hoa vẫn còn nhiều người dạo chơi để chờ đón thời khắc giao thừa.
Tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), pháo hoa kỹ xảo đươc bắn trong đêm giao thừa.
Bình Định là vùng đất vừa hứng chịu 5 đợt lũ liên tiếp nên tỉnh này không tổ chức bắn pháo hoa như mọi năm. Thay vào đó, số tiền 600 triệu đồng tiền bắn pháo hoa sẽ được dùng để hỗ trợ cho bà con vùng lũ bị thiệt hại nặng nề.
Không pháo hoa, chương trình dạ hội Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu 2017 tại Quảng trường Trung tâm tỉnh diễn ra sôi động, hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia đón giao thừa. Đặc biệt, điểm ấn tượng thu hút nhân dân và du khách là địa điểm tổ chức chương trình dạ hội còn được Sở Du lịch Bình Định xây dựng khuôn viên hoa nghệ thuật với biểu tượng linh vật cặp gà “khủng” cao 5,5 mét.
Bên cạnh đó, thời tiết ấm áp, đường phố trang trí lung linh và thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xuống phố đón thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới. Họ cùng nhau xuống phố và chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc, phát tài và phát lộc.
Tại Quảng Nam, người dân nao nức lễ chùa cầu an.
Ghi nhận của PV Dân trí tại chùa Pháp Bảo - chùa tỉnh hội của Quảng Nam ở thành phố Hội An, chưa đến 1h sáng 28/1, nhằm mồng Một Tết nguyên đán, đã có rất nhiều người đến lễ chùa. Chị Nguyễn Hạnh Phương, người dân ở phường Sơn Phong, Hội An chia sẻ: "Lễ chùa đầu năm vừa nguyện cầu bình an cho gia đình trong năm mới, và cũng là mong muốn được có những phút giây tịnh tâm trong chốn tâm linh trong thời khắc thiêng liên đầu năm mới. Cả nhà tôi vừa cúng giao thừa xong là xuất hành lễ chùa"
Lễ chùa đầu năm, nhiều người dân địa phương cũng giữ lệ mua muối, mua trầu cau bày bán trước cửa chùa để mua lộc, mua duyên đầu năm mới.
Khánh Hiền - Đại Dương - Khánh Hồng