Không phải Quốc hội không muốn xử phạt tài xế uống rượu bia
(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân việc xin ý kiến Quốc hội về một số vấn đề còn “vướng” trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (trong ngày 3/6) là để hoàn thiện dự thảo luật chứ không phải là biểu quyết thông qua. Còn việc xử phạt người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được quy định trong pháp luật hiện hành...
Sáng 4/6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an cho hay, với biểu quyết của Quốc hội hôm qua – ngày 3/6 (vấn đề còn “vướng” nhiều ý kiến khác nhau được quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia) cũng là khó khăn khi lực lượng giao thông hiện đang phải triển khai nhiệm vụ.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc chưa ghi nội dung về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia không có nghĩa là vấn đề này bị “bỏ trống”, mà được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bộ trưởng Bộ Công an đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) và xin tiếp thu. “Tuy nhiên, thực tế trong ngày hôm qua đến hôm nay cũng đã có những lái xe phản ứng với lực lượng công an trong việc đo nồng độ cồn. Tất nhiên, về mặt pháp luật cũng có biện pháp xử lý nhưng trên thực tế thì cũng có khó khăn nhất định”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân trần.
Chiều 4/6, kết thúc phần chất vấn Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dành thời gian nói thêm về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Quốc hội chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến Quốc hội trước.
“Việc xin ý kiến trong ngày hôm qua là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, chứ không phải là biểu quyết thông qua luật. Nhưng mà rất tiếc dư luận xã hội, rồi qua phân tích của báo chí đã gây hiểu lầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý người sử dụng phương tiện giao thông mà có rượu bia”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực giao thông có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Bộ Luật hình sự, Luật hành chính… đều có những quy định rất đầy đủ.
“Điều đó khẳng định rằng không phải không quy định vấn đề này trong Luật Phòng chống tác hại rượu, bia thì là không có chế tài xử lý. Thế nhưng khi xây dựng luật này với mong muốn thu hút những nội dung quy định về việc sử dụng rượu bia vào luật có nhiều ý kiến khác nhau nên xin ý kiến Quốc hội để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Chiều 3/6, Quốc hội xin ý kiến đại biểu về 3 vấn đề còn “vướng” nhiều ý kiến khác nhau được quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cụ thể, nội dung đầu tiên Quốc hội đưa ra hai phương án liên quan đến việc “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” và “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn” (hiểu đơn giản là “đã uống rượu bia là không lái xe”).
Phương án một nhận được 236 đại biểu đồng ý (chiếm 48,76%), 176 đại biểu không đồng ý (chiếm 36,36%); Phương án 2 nhận được 240 đại biểu đồng ý (chiếm 49,59%), 169 đại biểu không đồng ý (chiếm 34,92%). Theo đó, cả hai phương án đều không đạt được trên 50% ý kiến nên không bổ sung vào dự thảo luật.
Về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, có hai phương án được đưa ra là bổ sung quy định “thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau”; hoặc “không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ”.
Kết quả biểu quyết cho thấy, phương án 1 nhận được 224 đại biểu Quốc hội đồng ý (chiếm 46,28%); 206 đại biểu không đồng ý (chiếm 42,56%); Phương án 2 nhận được 214 ý kiến đại biểu đồng ý (chiếm 44,21%); 206 đại biểu không đồng ý (chiếm 42,56%). Như vậy, cả hai phương án đều không đạt được quá bán 50% ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý.
Với quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, Quốc hội cũng đưa ra hai phương án khác nhau. Cụ thể, Phương án 1 của dự thảo luật quy định “khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em”.
Phương án 2, quy định “khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em”.
Kết quả phần lấy ý kiến cho thấy, 351 đại biểu đồng ý (chiếm 72,52%). 72 đại biểu không đồng ý (chiếm 14,88%). Do kết quả vượt quá 50% số đại biểu Quốc hội đồng ý, phương án 1 sẽ được đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Quang Phong