1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không phải đã an cư nên “cấm” thêm người vào Hà Nội”

(Dân trí)-“Không phải chúng ta đã an cư lạc nghiệp rồi thì không muốn ai vào Hà Nội thêm nữa nên tìm cách ngăn cấm. Ai vào sống ở đây cũng phải được chăm lo về những điều kiện sống hợp lý”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị “thanh minh” cho quy định siết nhập cư.

Dự luật Thủ đô được Quốc hội bố trí thảo luận tại các tổ trong buổi làm việc chiều 27/10. Những cuộc tranh luận về đề xuất siết điều kiện nhập cư “nóng” không chỉ ở tổ Hà Nội.

Về “trái tim” sao quá khó!?

Đi thẳng vào quy định “siết nhập cư” với 2 phương án thiết kế, quy định chặt chẽ điều kiện tạm trú liên tục từ đủ 3 năm trở lên, nhà ở nếu đi thuê phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 5m2/người, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi nói cho rằng đó là điểm khác biệt lớn nhất của dự thảo luật lần này.

Ông Thi nhìn nhận quy định theo chiều hướng tích cực: “Có quy định khống chế diện tích nhà ở như vậy mới thắt là thắt điều kiện nhập cư, là yêu cầu khác biệt lớn nhất. Không có điều kiện này thì việc “siết” nhập cư chỉ còn là hình thức, khó khả thi”.
 
Áp lực lớn với Hà Nội khi mỗi năm có trung bình 50.000 người đăng ký vào nội thành (Ảnh: Việt Hưng)
Áp lực lớn với Hà Nội khi mỗi năm có trung bình 50.000 người đăng ký vào nội thành (Ảnh: Việt Hưng)

Dù tán thánh, ông Thi cũng cảnh báo, chính quy định “siết” nhập cư này khi đưa ra QH khóa XII không đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu nên luật Thủ đô khi đó không được thông qua. Khuyến nghị cần thận trọng, tính các bước đi chắc chắn để luật được suôn sẻ, “xuôi chèo mát mái” trong lần này, ông Thi đề xuất nên thăm dò trước ý kiến các đại biểu trước khi Quốc hội đưa ra biểu quyết. Đạt được phương án 2 là tốt nhất nhưng nếu không cũng cần “bước lùi” xuống phương án 1 (không kèm điều kiện đảm bảo diện tích nhà ở 5m2/người), chứ không để một lần nữa luật không được thông qua.

Đồng tình với phân tích này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga nêu dẫn chứng về áp lực tăng dân số từ ngành mình. Năm 2008 thành phố mới có gần 1,3triệu học sinh, tăng dần đều qua các năm, đến nay đã gấp đôi, lên tới 2,6triệu học sinh. Riêng năm qua đã tăng thêm 38.000 trẻ mầm non.

“Chúng tôi xây sao cho đủ trường. Đất đai đâu ra để xây thêm nhiều trường như vậy khi số người nhập cư nhiều đến thế, tăng nhanh thế”, bà Nga than thở và kêu gọi các đại biểu Quốc hội hiểu cho những khó khăn của Hà Nội, “bỏ phiếu” cho phương án siết điều kiện nhập cư.

Đại biểu Bùi Thị An phân trần thêm, đúng là nên hạn chế người nhập cự vào thành phố nhưng ngay cả phương án “siết” chặt nhất xét ra cũng thấy không hạn chế được bao nhiêu vì chỉ áp dụng đối với khu vực nội thành cũng như chỉ tác động tới người có ý định, nhu cầu đăng ký nhập hộ khẩu.

Ngược lại quan điểm của đoàn Hà Nội, nhiều đại biểu ở các đoàn đại biểu khác khác vẫn tỏ ra băn khoăn về quy định dự kiến thiết kế trong luật.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, những hạn chế, quá tải ở Hà Nội một phần là do công tác quản lý. “Mật độ dân cư thế mà vẫn không ngừng cho xây nhà cao tầng trong nội thành, cơ sở sản xuất trong nội thành, trường học trong nội thành, thì làm sao mà giãn dân cư được”, ông Vinh phân tích và đề nghị không “siết”, không nên hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) ví von khi nói về quy định hạn chế nhập cư: “Nói Hà Nội là trái tim cả nước nhưng về trái tim sao quá khó, thu phí cao hơn, xử phạt hành chính cao hơn, hạn chế nhập cư, hạn chế quyền tự do đi lại người dân về thủ đô… những quy định hà khắc như này chỉ là giải pháp tình thế và làm buồn lòng người dân về thủ đô”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) chia sẻ, là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhìn thành phố đang xấu đi mỗi ngày, mất dần những hình ảnh thơ mộng, đại biểu rất mong luật Thủ đô có thể tạo ra sự phát triển tích cực cho Hà Nội. Hà Nội muốn có cơ chế đặc thù về tài chính và hạn chế nhập cư nhưng luật vẫn thiết kế chưa “trúng”, khiến đại biểu không cảm thấy chắc chắn là có 2 “đặc quyền” đó thì sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực cho thành phố.

Giãn dân cũ đã khó, làm sao đón dân mới?
Bí thư Phạm Quang Nghị (đứng) phát biểu tại phiên thảo luận về dự luật Thủ đô.
Bí thư Phạm Quang Nghị (đứng) phát biểu tại phiên thảo luận về dự luật Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị giải thích lại, luật chỉ hướng tới quy định việc hạn chế nhập cư vào nội thành. Khu vực ngoại thành vẫn áp dụng luật Cư trú. Khu vực nội thành cần ràng buộc những điều kiện nhập cư chặt chẽ hơn vì xét cho cùng, theo ông Nghị, cũng là để đảm bảo cuộc sống cho những người nhập cư mới cũng như người đã đang sinh sống ở đấy phù hợp với hạ tầng đi kèm.

Ông Nghị nêu ví dụ, quận Hoàn Kiếm có diện tích 4,5km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam (Đồng Nai) nửa km2 nhưng đang có 22 vạn dân. Phố cổ có những số nhà 7-8 hộ sinh sống. Thời gian qua, quận này cũng đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp giãn số dân cũ này ra ngoại thành. Đề án giãn dân phố cổ tốn tới hàng nghìn tỷ đồng.

“Trong bối cảnh đang cố gắng đưa người ra đã khó mà lại tiếp tục nhận vào một bộ phận khác, thậm chí còn đông hơn số cũ nghĩa là không làm tốt trách nhiệm với người đang sống ở khu vực này. Vì lý do này mà phải có các quy định khống chế”, ông Nghị kêu gọi nhìn nhận luật Thủ đô ở khía cạnh này chứ chỉ nói ở khía cạnh cấm đoán.

Bí thư Hà Nội phân trần thêm, chỉ cho phép 1 người nhập khẩu vào Hà Nội nhưng cũng có nghĩa là phải chuẩn bị để đón cả 1 gia đình, thậm chí một vài gia đình kéo theo cùng vào, sau đó lại tách hộ, thêm người và dân số cứ tiếp tục “phình” lên.

Ông Nghị nhấn mạnh một lần nữa, quy định hạn chế nhập cư không tác động đến nhóm người lao động tự do. Họ vẫn làm việc, tạm trú bình thường, chỉ là không đưa cả gia đình, con cái vào thành phố định cư, học hành như diện người nhập khẩu.

Về cơ chế tài chính đặc thù, ông Nghị khẳng định, nếu đối chiếu với pháp lệnh Thủ đô đang áp dụng thì những quy định cũ thậm chí còn cởi mở, nhiều ưu tiên dành cho Hà Nội hơn. “Thực tế mà nói, kể cả lúc có pháp lệnh và khi chưa có thì Hà Nội lúc nào cũng được ưu tiên đầu tư về tài chính như này rồi. Có hay không có luật thì hiện cũng vẫn đang làm như vậy”, ông Nghị nói.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực, thu phí giao thông để hạn chế phương tiện dự kiến cao hơn 2 lần, Bí thư thành ủy cũng quả quyết đó là “điều hợp lý tất yếu”. Vì ở nơi đất đai có giá như Hà Nội, xây nhà, lấn hồ thêm được 1m2 là có được 200-300 triệu đồng; xây vượt được 1 tầng cho phép là thu lời mấy trăm tỷ… nên ai cũng vui vẻ nộp phạt, dù có cao hơn quy định 2 lần hay 5 lần vẫn vậy. Vậy nên thành phố phải áp dụng việc phạt kiên quyết như cắt ngọn, buộc phá dỡ công trình vi phạm. Việc cho tăng mức phạt, mức thu phí chỉ mang tính răn đe hơn đôi chút.

“Tóm lại, không phải chúng ta là những người đã an cư lạc nghiệp rồi thì không muốn ai vào thêm nữa nên tìm cách ngăn cấm. Ai vào sống ở đây cũng phải được chăm lo về những điều kiện sống hợp lý”, ông Nghị kết lại.

P.Thảo