Nhà văn Minh Chuyên:
“Không nói hết sự thật bởi quá ư nghiệt ngã”
(Dân trí) - Ngay sau khi có dư luận ồn ào về tính chân thực trong bộ phim Linh hồn Việt cộng và nhà văn Minh Chuyên, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến bạn đọc đề nghị nhà văn Minh Chuyên trả lời sự việc.
Chúng tôi đã chuyển những câu hỏi của bạn đọc và nhận được câu trả lời của nhà văn Minh Chuyên trong cuộc trao đổi dưới dây.
Là một nhà văn, nhà viết kịch, đạo diễn phim truyền hình có tên tuổi và một cựu quân nhân, ông có dám lấy danh dự khẳng định nội dung bộ phim trên là chân xác?
Là một cựu binh, nhà văn hơn 30 năm chỉ chuyên tâm viết về hậu quả chiến tranh, về thương binh liệt sỹ, tôi xin đảm bảo rằng toàn bộ nội dung của Bộ phim “Linh hồn Việt cộng” là sự thật. Thậm chí, có những trường đoạn nói chưa hết sự thật, bởi sự thật nói ra nhiều khi nó lại vô cùng nghiệt ngã.
Chuyện “Người lang thang không cô đơn” và “Thủ tục làm người còn sống” của tôi trước đây là một ví dụ. Vì tôi nói ra hết sự thật mà bao người phải liên lụy khổ đau. Sự thật anh Trần Quyết Định trong tác phẩm “Thủ tục làm người còn sống” in trên báo Văn nghệ tháng 5 năm 1988, anh Định bị thương thật, có người bảo anh không bị thương. Nhiều tờ báo vào “cứu” sự thật về anh, phải mất 19 năm sau, ngày 27/7/2007, nhờ sự tiếp tục lên tiếng của quý báo (báo Dân trí điện tử và báo Khuyến học & Dân trí), anh Trần Quyết Định mới được lĩnh sổ thương binh thật.
Vậy sự thật ở đây là gì? Tại sao ông không dám nói lên sự thật?
Khi theo gia đình vào Gia Lai, tôi đã tiếp cận và được chứng kiến một sự thật, khó nói vô cùng, nhất là nói trong bộ phim đang làm. Là người có mặt trong suốt chuyến đi đón hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm cùng 4 cựu binh Mỹ và các em của liệt sỹ, tôi được chứng kiến cảnh tượng các em của liệt sỹ là Hoàng Ngọc Lượng, Hoàng Ngọc Cát, Hoàng Minh Diệu, Hoàng Thị Tơi chạy vạy vất vả tìm gặp các cơ quan chính sách ở địa phương để được mang hài cốt của anh mình về quê hương.
Vì hài cốt đã được xác định đúng vị trí, ở nghĩa địa Ayunpa. Đây là lần thứ 2 gia đình vào. Gia đình đã tới Phòng lao động thương binh Ayunpa gặp bà Nga, gặp bà Phú. Lãnh đạo phòng cử cán bộ dẫn gia đình tới gặp ông Minh quản trang trình bày xin được đào hài cốt Hoàng Ngọc Đảm trên ngôi mộ đã được xác định trong nghĩa trang, nhưng do chưa đủ thủ tục nên cuối cùng, đành phải đào trộm hài cốt của anh mình.
Ông trả lời như thế nào về vị trí khâm liệm liệt sỹ Đảm trong phim Linh hồn Việt cộng và việc vỡ máy quay phim có phải là sự “thêm mắm, thêm muối”?
Trong khi gia đình làm việc bí mật đào mộ, đoàn làm phim chúng tôi ở bên ngoài. Ngày hôm sau khi đưa hài cốt liệt sỹ ra, theo yêu cầu của Cựu binh Mỹ Homer, gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm lên quả đồi, Homer xác định là đồi 467 nơi ông ta bắn chết liệt sỹ Đảm để làm lễ khâm liệm. Quả đồi đó gần đèo Măng Giang thuộc tỉnh Gia Lai đúng như bộ phim đã thể hiện.
Và chúng tôi đã quay phim toàn bộ cảnh gia đình và cựu binh Mỹ Homer làm lễ khâm liệm, bái vọng Liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm tại đây, sau đó, đưa hài cốt tới một vị trí khác cũng ở quả đồi này để Homer làm lễ rước hồn (theo yêu cầu của ông ta). Nhưng không may, một cơn lốc đã nổi lên làm chiếc máy quay phim Betacam (trị giá gần 1 tỷ đồng của VTV) do anh Quang Huy quản lý bị vỡ đầu máy và 4 chiếc máy ảnh của anh em trong đoàn bị liệt không sử dụng được.
Sức ép nào khiến ông không dám đưa sự thật này lên bộ phim của mình? Nếu ông đưa lên, có thể sức thuyết phục sẽ còn cao hơn?
Tôi đã suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều về việc này. Cuối cùng, tôi nghĩ trong khi bộ phim chủ yếu nói về nhân nghĩa con người, lòng vị tha và sự sám hối ân hận của người cựu binh Mỹ. Trước một vấn đề lớn về thân phận con người và tình người, nên tôi đã cố tránh không đưa mặt trái tiêu cực trong việc đào trộm mộ vào phim, nên toàn bối cảnh phim diễn ra sự thật ở Ayunpa đã phải thay thế đến một địa điểm khác.
Gia đình liệt sỹ và bản thân chúng tôi thực lòng không muốn phải nói tới sự thật nghiệt ngã này. Là một cựu chiến binh, một nhà văn, tôi xin gửi tới quý vị và bạn đọc lời tâm huyết chân thành về một sự thật như trên và một lần nữa khẳng định nội dung phim “Linh hồn Việt Cộng” là hiện thực.
Cám ơn ông!
Nguyễn Hoàng
(thực hiện)