1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Viết tiếp vụ dùng điện não đồ để phát hiện ma túy:

Không nghiện… cũng bắt đi cai

(Dân trí) - Người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, cuộc sống lam lũ nên mới 37 tuổi mà trông anh như đã 60. Bằng chất giọng đặc sệt xứ Thanh Hóa, anh run run cầm tờ đơn nói: “Cả đời “cháu” còn chưa nhìn thấy ma túy là gì, vậy mà đùng một cái, họ đưa “cháu” đi điện não đồ rồi kết luận là “cháu” nghiện! “Cháu” không biết phải làm như thế nào nữa?”

Năm 2006, tỉnh Sơn La thắt chặt việc quản lý cán bộ, đảng viên sử dụng ma tuý theo kết luận 03 của tỉnh uỷ Sơn La. Đây là một chủ trương lớn được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ. Để thực hiện, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo 03 từ cấp tỉnh cho đến cở sở, tuyên truyền vận đồng toàn dân tham gia phát giác, tố giác, xử lý tệ nạn ma tuý. 

Tuy nhiên, việc thực hiện đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây. Trường hợp oan sai của Thẩm phán Đỗ Như KhánhDân trí đã đưa tin không phải là cá biệt. 

Bán lúa để đi giải oan 

Anh Nguyễn Tài Duyên, sinh năm 1969 có hộ khẩu thường trú tại Bản Ôn, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đầu tháng 7/2006, anh Duyên và gia đình ngơ ngác khi  nhận được giấy mời của chính quyền đi lấy mẫu máu xét nghiệm ma tuý, tiếp đó yêu cầu đến trạm xá để điện não đồ.

Không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng anh Duyên nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng” nên nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của của địa phương. Tuy nhiên, kết quả diện não đồ cho biết đã bị mắc nghiện và bắt buộc phải đi cai, việc này được công khai trên loa phát thanh đã khiến anh Duyên và gia đình “sốc” nặng.

“Cháu” là nông dân chân lấm tay bùn, cả đời có biết cái  ma tuý mặt ngang mũi dọc như thế nào đâu, nhưng giờ họ bảo thế, chẳng còn mặt mũi để nhìn ai, gặp chính quyền thanh minh thì không ai nghe cho”, anh Duyên cho biết.

Bức xúc của anh Duyên còn bắt nguồn từ việc, theo kết luận 03 thì cán bộ, đảng viên  phải chịu trách nhiệm khi có thân nhân nghiện ma tuý. Vợ của anh là giáo viên. Nên trước nguy cơ vợ bị kỷ luật và để cứu vãn danh dự cho chính mình, anh Duyên đã tìm cách chứng minh mình không nghiện ma tuý. Nhưng “người ta nói có sách mách có chứng, lại được khoa học chứng minh, mình nói suông không ai nghe”. Vì vậy, anh quyết định cũng dùng giy trắng mực đen để chứng minh lại.

Ngày 18/8, anh lặn lội về Viện Quân y 103 xét nghiệm máu và chụp lại não đồ, kết quả cho thấy xét nghiệm máu thì âm tính, còn não đồ thì: “giảm hoạt động tiểu não gây suy nhược thần kinh”. Tuy nhiên, khi đem những kết luận này về kêu oan thì không được ban chỉ đạo 03 không chấp nhận. Không những thế, anh còn bị xếp vào thành phần “ngoan cố”.

Cực chẳng đã, ngày 22/8, anh Duyên lại xuống Viện châm cứu Trung ương để điện não đồ “giống như đã làm tại trạm xá”, nhưng kết luận cho thấy: Điện não đồ biến đổi ở mức độ nhẹ”. Đưa kết quả này kêu oan tại ban chỉ đạo 03 vẫn không được chấp nhận.

Trong hành trình kêu oan của mình, anh Nguyễn Tài Duyên tâm sự: “Năm lần bảy lượt gõ cửa các cơ quan chức năng, 2 lần xuống Hà Nội để xét nghiệm. Chi phí đi lại, ăn ở cũng đã lên tới vài triệu đồng. Cũng may, năm nay được mùa, bán lúa ra được 4 triệu nên “cháu” còn có tiền đi chứ không thì đành chịu mang tiếng với vợ con, làng xóm”.

Ban chỉ đạo 03 cấp cơ sở xử lý sai và thiếu trách nhiệm

Không nghiện… cũng bắt đi cai  - 1


 

 

 

 

 

 

 

 


Ông Đỗ Như Vưu, trưng ban chỉ đạo 03 huyện Mộc Châu.

Từ những đơn thư kêu cứu của công dân và bức xúc của dư luận về mức độ chính xác của phương pháp dùng điện não đồ để phát hiện ra người nghiện ma tuý, phóng viên Dân trí đã về Sơn La để tìm hiểu.

Tại huyện Mộc Châu, ông Hồ Mạnh Thắng, phó ban chỉ đạo 03 huyện cho biết: Điện não đồ là phương pháp tiên tiến nhất để phát hiện ra người nghiện ma tuý, huyện đã làm theo quy trình chặt chẽ nên không thể có sai sót. Tuy nhiên, ông Thắng đã trả lời quanh co khi được hỏi tại sao vẫn có người khiếu nại và có sự vênh nhau về kết quả phát hiện người sử dụng ma tuý khi cùng sử dụng một phương pháp. Sau khi đùn đẩy hết trách nhiệm cho người này, người khác, ông Thắng cáo bận và không tiếp tục làm việc với chúng tôi.

Tìm gặp Trưởng ban chỉ đạo 03, ông Đỗ Như Vưu, đồng thời là Phó bí thư huyện uỷ Mộc Châu, cũng như ông Phó ban, ông Vưu chỉ nói quanh co và cho rằng đây là một chủ trương rất lớn, rất hay của tỉnh, và ban chỉ đạo 03 là 1 ban “hoành tráng” nhất từ trước đến nay.

Khi hỏi về có hay không những trường hợp bị oan, ông Vưu cho rằng chỉ có người nghiện “ngoan cố” chứ không có sai sót nào cả. Lý giải về sự khác nhau của kết quả điện não đồ khi tiến hành trong từng trường hợp cụ thể, ông Vưu cho rằng, đấy là do có sự “biến thiên”, tuỳ theo cơ địa từng người, có thể tuần này có kết quả này nhưng tuần sau có kết quả khác.  Nếu như vậy, không hiểu tại sao ban chỉ đạo 03 huyện Mộc Châu lại căn cứ vào kết quả ban đầu và xem đó là duy nhất để kết luận người nghiện ma tuý?

Theo quy định, việc tố giác, phát hiện người nghiện  phải được diễn ra minh bạch, công khai. Thế nhưng, cách làm của Ban chỉ đạo 03 Mộc Châu cho thấy có nhiều điều khó hiểu.

Khi có thông báo bị nghiện ma tuý qua phương pháp điện não đồ tại địa phương, một số trường hợp đã trực tiếp gặp ban chỉ đạo 03 tại huyện và xã để xin được xem kết quả điện não đồ nhưng không được chấp nhận. “Đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi, nếu ai cần thì lên tỉnh mà hỏi”. Ông Đỗ Như Vưu nhiều lần khẳng định như vậy.

Cũng theo quy định, người bị nghi ngờ mắc nghiện có quyền làm đơn khiếu nại, và trong thời gian này sẽ không bị áp dụng bất cứ hình thức xử lý nào. Tuy nhiên, trong trường hợp Thẩm phán Đỗ Như Khánh, mặc dù đã làm đơn khiếu nại gửi Ban chỉ đạo 03 các cấp những vẫn bị xử lý bằng cách hạn chế công việc chuyên môn. Cụ thể, ông Khánh đã không được tham gia xét xử các vụ án có liên quan đến ma tuý. Còn anh Đỗ Tài Duyên đã được nêu tên trên loa phát thanh công cộng?

Ngoài ra, còn có trường hợp Trung uý Hồ Xuân Hùng, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, mặc dù cực lực phản đối kết quả điện não đồ và đã có đơn khiếu nại nhưng Trung uý Hùng vẫn phải đi… cai nghiện.

Thái Sơn