1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Không mua xe công mới vẫn tốn kém vì “kho” xe công cũ

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính báo cáo việc mua sắm xe công năm 2014 đảm bảo tiết kiệm vì không mua thêm xe phục vụ các chức danh. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội than, không mua xe mới nhưng kho xe cũ cũng ngốn nhiều vì chi phí sửa chữa, khoán xe chưa hiệu quả.

Theo báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 của Chính phủ trình UB Thường vụ xem xét chiều 11/5, năm 2014 cả nước tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trong đó, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách là 8.020 tỷ đồng, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 7.223 tỷ đồng.

Các khoản được cắt giảm là các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo đúng quy định; đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh trừ trường hợp: đơn vị thành lập mới mà không có xe ô tô để điều chuyển và do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe ô tô phục vụ công tác.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong mùa lễ hội vừa qua, tuy còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức, nhưng đáng nói là trình trạng xe công đi lễ hội đã giảm, theo phản ảnh của báo chí.
Không mua xe công mới vẫn tốn kém vì “kho” xe công cũ
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng để nhà nước thuê xe của doanh nghiệp trong hoạt động công vụ sẽ hiệu quả hơn cả.

Lên tiếng về vấn đề này trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét, riêng về xe công, dù quán triệt chủ trương không mua xe mới nhưng xe cũ nhiều cũng tốn kém vì chi phí sửa chữa xe tăng cao, “ăn” vào quỹ chi của các đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả tiết kiệm trong lĩnh vực này, ông Phúc cho rằng phải triển khai cho được quy trình quản lý xe công tập trung.

“Quản lý tập trung sẽ giúp đầu xe giảm đi, lái xe cũng giảm đi, người được hưởng chế độ cũng có quyền lựa chọn, hướng tới việc cho DN tư tham gia vào cung cấp dịch vụ công này. Nhà nước thuê xe của doanh nghiệp cung cấp sẽ tiết kiệm chi phí mua, sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý. Còn tiếp tục “phân bổ” quỹ xe công thì tình trạng lãng phí sẽ vẫn tiếp tục. Khoán xe công, vì thế, dù đã thực hiện lâu nay nhưng chưa thực sự hiệu quả vì chưa áp dụng quản lý tập trung” – ông Phúc phân tích.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách còn nhiều. Không ít các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí.

Năm 2014, ngành Thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách gần 52.000 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý khoảng 14.000 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính là 23.000 tỷ đồng.

Một số địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí.
 

Về vấn đề sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, báo cáo của Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong năm 2014, Bộ đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 298 cơ sở nhà đất của 30 bộ, ngành và 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn TPHCM.

Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã khai thác được quỹ nhà đất dôi dư đưa vào sử dụng hoặc bán tạo vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên tỷ lệ hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chưa cao (đạt 50,2%), còn có Bộ, ngành hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất dưới 50%.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm