1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không khó "xử" nạn mua bán luận văn

(Dân trí) - "Nhiều trí thức đã lên tiếng kiến nghị, đề đạt các giải pháp "chặn" tình trạng mua bán luận văn, đồ án tốt nghiệp tràn lan hiện nay. Vấn đề là sự lắng nghe của Bộ GD-ĐT" - GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng (ĐH Quốc gia HN) trao đổi với Dân trí.

Quan điểm của ông về hiện trạng luận văn tốt nghiệp được bán công khai như ở chợ tại các khu vực gần trường ĐH, CĐ như hiện nay?

Tôi rất mừng vì trên nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu ở ĐH Tổng hợp nay là ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy. Ở đây, rõ ràng, người mua phải có người bán. Các trường biết giữ danh dự cho trường mình và quản lí‎ cán bộ một cách chặt chẽ thì làm sao có chuyện này được.

Không khó "xử" nạn mua bán luận văn  - 1
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc mua bán luận văn đang là sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức.
 
Việc mua bán luận văn, đồ án rất phổ biến không chỉ cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn thể hiện sự xuống cấp của một số cán bộ quản lí giáo dục, sự vô trách nhiệm của một số thầy cô giáo. Chuyện này không thể tiếp tục tồn tại được. Vì trước hết phải thấy yêu cầu không thể thiếu được của một trí thức, một nhà khoa học là sự tự trọng.
 
Hiện tượng "xào" luận văn, mua bán bằng cấp vẫn có đất sống có phải vì chúng ta vẫn chạy theo thành tích, thưa GS?
 
Việc mua bằng của nước ngoài cũng là chuyện thực nực cười. Tôi đã sang Mỹ vài lần và hiểu có những trường cấp bằng Tiến sĩ rất dễ dãi, miễn là nộp đủ tiền. Họ không cần xem xét ngoại ngữ (vì dùng một phần tiền để thuê dịch), họ cũng không cần đánh giá cao chất lượng nội dung luận án. Họ nộp đủ thuế cho Nhà nước nên vẫn được phép tồn tại. Nhưng người Mỹ đều biết đó là những tấm bằng vô giá trị, không ai vào học, vì sẽ không xin được việc làm. Đó chỉ là những cái mồi để dụ dỗ những người hiếu danh ở nước ngoài. 
 
Tôi không bao giờ quên những mong muốn tha thiết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp trồng người là Trường ra trường, Lớp ta Lớp, Thầy ra Thầy và Trò ra Trò. Tôi cho rằng cần lấy lại tinh thần Thực học, Thực nghiệp đã có từ thời các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính khi chủ trương phong trào Đông Du để có được những chủ trương mạnh mẽ và kiên quyết nhằm chấn hưng lại kỷ cương Dạy và Học của cả Thầy lẫn Trò ở mọi cấp học.
 
Theo ông, tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy trước mắt và tương như thế nào cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung?
 
Không khó "xử" nạn mua bán luận văn  - 2
Luận văn, đồ án in sẵn đóng bìa được bày bán công khai tại nhiều "chợ" luận văn. (Ảnh: Anh Thế)
 
Việc cấp bằng tốt nghiệp không đúng với thực chất sẽ không có ích gì cho sự phát triển Giáo dục, Khoa học, Công nghệ. Ngược lại , nó còn gây ra những thiệt hại không đáng có cho nền kinh tế. Chúng ta đang thật sự thiếu các trí thức giỏi để đào tạo lớp trẻ đang rất hiếu học. Các thầy cô giáo Đại học, Cao đẳng hay Trung học chuyên nghiệp không chỉ cần có trình độ kiến thức sâu rộng, một khả năng thực hành thông thạo còn phải là những tấm gương sáng để khích lệ cho tinh thần tự học, tự dấn thân cho các mục đích cao cả phục vụ đất nước.
 
Những tấm bằng giả hay những tấm bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ làm hạ thấp uy tín của tầng lớp trí thức, một tầng lớp góp phần hết sức quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước
 
Giáo sư có thể đưa ra giải pháp để giải quyết bài toán nan giải về tình trạng mua bán luận văn “tràn lan” như hiện nay của sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội và cả nước?
 
Tôi thấy đâu có khó khăn gì ghê gớm lắm. Bết bao trí thức đã lên tiếng kiến nghị, đề đạt các giải pháp. Chỉ cần Bộ Giáo dục và đào tạo thực sự lắng nghe và kiên quyết nhìn thẳng và sự thật để quyết tâm đổi mới mục tiêu và chất lượng đào tạo sẽ giải quyết căn nguyên vấn đề.
 
Nếu được phép đề xuất ‎vài ý kiến tôi xin mạnh dạn trình bày như sau: Một là nhanh chóng đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông theo các nước tiên tiến nhưng có sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh nước ta và tương thích với thời đại phổ cập internet. Không học quá nhiều môn, nên xếp một số môn ít tác dụng thực tế vào chương trình ngoại khóa với số giờ giảm đến mức cần thiết. Phân ban sâu từ hai lớp 11 và 12 để định hướng cho học sinh và xóa bỏ nhu cầu học thêm, dạy thêm...đồng thời, cho tự do biên soạn và in ấn sách giáo khoa theo chương trình chuẩn đã được Quốc hội thông qua. Việc lựa chọn sách giáo khoa là quyền của từng học sinh, các giáo trình Đại học phải đạt chuẩn trung bình trở lên của Quốc tế. Không có giáo trình không được lên lớp. Không có điều kiện thực hành thì không được mở chuyên ngành đào tạo đó.
 
Không khó "xử" nạn mua bán luận văn  - 3
Thời đại Internet, luận văn đồ án tốt nghiệp còn được buôn bán qua email nhanh gọn tại điểm "nóng" Trần Đại Nghĩa.
 
Hai là mọi bằng cấp sau Đại học phải được Bộ thừa nhận sau khi đã xem xét chất lượng của cơ quan đào tạo và không có sự sao chép từ các luận văn khác. Không đào tạo các chuyên ngành mà không có đủ giảng viên đủ chất lượng. Không đào tạo thừa các chuyên ngành mà xã hội không có nhu cầu. Đặc biệt coi trọng Khoa học cơ bản, nền móng của sự phát triển lâu dài. Không cần nhiều sinh viên theo học các ngành này nhưng phải là những sinh viên giỏi và phải được ưu đãi về học bổng và điều kiện học tập, nghiên cứu. Có những biện pháp thích hợp để hạn chế việc lưu học sinh và nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ không về nước phục vụ.
 
Xin cảm ơn GS! 

Anh Thế - Quốc Đô (thực hiện)