"Không khó để triệt tiêu nhà “kỳ quái” ở con đường 1,3 tỷ 1 mét"

(Dân trí) - Dư luận đặt câu hỏi: Đường nối từ ngã năm Ô Chợ Dừa -Hoàng Cầu xây dựng sau khi có Luật quy hoạch đô thị nhằm triệt tiêu nhà siêu mỏng, méo, nhưng tại sao Hà Nội không thực hiện được?


Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng – TS. Phạm Sỹ Liêm: Nếu không quyết liệt sẽ còn tái diễn cảnh nhà siêu mỏng, siêu méo!

Có một thực tế là, Hà Nội mở đường đến đâu thì nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở đó. Và gần đây nhất là tuyến đường “đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, dù mới thông xe được ít lâu nhưng hai bên đường đã nhan nhản những ngôi nhà có hình thù “kỳ dị”. Theo ông, nguyên nhân của thực tế này là do đâu?

Rõ ràng, ở đây người ta tách việc xây dựng con đường ra khỏi vấn đề phát triển đô thị. Khi làm con đường trong đô thị không chỉ đơn giản là giải quyết ách tắc giao thông mà còn là một bộ phận của đường phố, làm cho bộ mặt của đường phố đẹp, khang trang tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta lại tách ra chuyện làm đường riêng, phát triển đô thị hai bên đường riêng, điều này là không đúng, rõ ràng là thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán.

Câu chuyện này không mới, nhưng nếu các nhà quản lý không chịu rút kinh nghiệm từ những lần làm đường trước mà lại cứ để bộ dạng nhếch nhác như hiện tại thì nguy cơ con đường Hoàng Cầu – Cầu Giấy chắc chắn sẽ lại tái diễn cảnh tương tự: “ai nói cứ nói, tôi làm cứ làm”.

Ở Việt Nam, nhà siêu méo có từ thời Pháp, còn ở trên thế giới cũng vậy. Ở đâu mở đường là ở đó đất thừa, nhà méo. Tuy nhiên, vấn đề là người ta đã xử lý như thế nào để bộ mặt đô thị không bị méo mó, thưa ông?

Trên thế giới trước khi người ta làm đường người ta phải điều chỉnh đất đai hai bên đường đồng thời thực hiện một cách tổng thể giữa việc xây dựng đường và quy hoạch hai bên đường. Tuy nhiên, ở Việt Nam khi tôi hỏi về việc quy hoạch họ đều trả lời không có tiền. Còn ở nước ngoài tiền quy hoạch họ đều lấy từ đất. Ở ta cũng lấy tiền từ đất nhưng lại là bán đất nền. Trong khi giá đất nền khi chưa có hạ tầng thì chẳng được bao nhiêu.

Theo tôi, chúng ta nên vay tiền ngân hàng làm hạ tầng trước, giống như tạm ứng vốn đi buôn. Khi đã làm xong hạ tầng rồi họ mới mang ra đấu giá những khu đất.

Đáng lẽ, sau khi làm đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa chúng ta đã có bài học về vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo thì phải rút kinh nghiệm. Nếu ngay từ đầu, chúng ta chú ý quy hoạch hai bên đường thì không thể có chuyện “con đường đắt nhất hành tinh” vì khi làm hai bên đường thì đất có giá, bán cho những người xây công trình thu lãi bù vào tiền vốn làm đường.

Ở những đô thị huyện lỵ trong quy hoạch sắp tới, chúng ta cần làm hạ tầng trước rồi mới đưa dân vào, có thế mới có thể ngăn được sự phát triển của những căn nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”.

Nhiều cơ quan còn vô trách nhiệm khi thực thi luật”

Nhiều năm qua, TP Hà Nội vẫn quanh quẩn với việc giải bài toán nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhiều chủ trương, giải pháp đã đưa ra, nhiều mốc thời gian đã được ấn định rồi lại được lùi, cho đến nay hàng trăm ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn vẫn chưa được giải quyết. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để dẹp bỏ dứt điểm tình trạng này?

Tháng 5/2011, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 15 quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới. Luật quy hoạch đô thị từ năm 2009 cũng đã quy định khi làm đường phải lấy vào hai bên 50m để xây dựng hạ tầng đồng bộ với tuyến đường, giải quyết kiến trúc quy hoạch tuyến đường.

Tuy nhiên, từ đó đến nay Hà Nội vẫn chưa thực hiện được tuyến đường nào theo quy định này và vẫn hết sức lúng túng khi xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.

Theo quan điểm của tôi, có dấu hiệu một số cơ quan đã vi phạm Luật quy hoạch đô thị hết lần này đến lần khác. Ở đây là tình trạng vô trách nhiệm trong việc thực thi luật. Là đơn vị được nhà nước trao trách nhiệm theo dõi thi hành, Bộ Xây Dựng cần có động thái quyết liệt trong việc giải quyết, chấm dứt tình trạng này.

Không khó để triệt tiêu nhà siêu mỏng, siêu méo. Cơ quan thanh tra nên tiến hành kiểm tra, xử lý bởi rõ ràng đây là việc không chấp hành luật pháp. Điều luật đã quy định cụ thể như thế rồi, anh không làm rõ ràng là anh vi phạm. Ở đây không còn đơn giản là việc đẹp hay không đẹp nữa.

Phát triển đô thị là là một công việc liên nghành chứ không thể thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Điều này sẽ khiến đô thị đang bị xé ra thành từng mảnh.

Kiến trúc sư Trịnh Hồng Đoàn - Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: Đô thị Hà Nội đang ở dưới mức trung bình!

Tôi thấy rất buồn vì hình ảnh những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang xuất hiện ở Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh, thành khác.

Tôi cho rằng nguyên nhân ở đây là do cả chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Có thể thấy đơn giản chỉ vì lý do kinh tế nên mạnh ai nấy làm, chẳng ai quan tâm đến quy hoạch đô thị chung cả. Mỗi bên đều có một phần trách nhiệm trong đó.

Người quản lý thì đưa ra những chính sách đôi khi làm khó cho người dân. Cụ thể là đưa ra những chính sách bất hợp lý dẫn đến người dân không nghe theo. Trong khi đó, về phía người dân đôi khi lòng tham nổi lên dẫn đến việc xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy.

Trước đây đoạn đường từ Kim Liên - Xã Đàn cũng xảy ra tình hình tương tự như ở đoạn đường đi Hoàng Cầu hiện nay với rất nhiều nhà siêu mỏng siêu méo. Và đến nay, tình trạng này tiếp tục tái diễn tại đoạn đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, nếu tình trạng này không được giải quyết triệt để, các quy hoạch đô thị của Thủ đô đứng trước nguy cơ “đổ vỡ”…

Tôi đồng ý với nhận định này. Tình trạng manh mún như hiện nay đã cho thấy trình độ quản lý yếu kém của những người làm quy hoạch, họ chưa xây dựng được một tầm nhìn chiến lược, chưa tạo ra được nét đặc trưng của Thủ đô. Trong khi đó sự phối hợp giữa các ban nghành thì lại theo kiểu mạnh ai người nấy làm, dẫn đến tình trạng thò ra thụt vào.

Điều này đang dẫn đến thực tế rất buồn, bộ mặt đô thị của Hà Nội ở mức dưới trung bình.

Giải pháp nào để không tái diễn tình trạng này, thưa ông?

Tôi cho rằng về phía cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách và cũng phải đồng hành cùng với người dân.

Ở nhiều nước trên thế giới thực tế cũng có tình trạng tương tự xảy ra như ở Hà Nội nhưng chính quyền của họ ngay lập tức tìm cách giải quyết rất nhanh thay vì để du khách nước ngoài nhìn thấy. Việc chậm giải quyết dứt điểm đã góp phần để lại cho Thủ đô bộ mặt đô thị rất lem nhem.

Hà Trang – Xuân Ngọc