1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không khen thưởng vụ khui 3.000 hồ sơ giả là quá vô lý!”

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - trước việc hai lão nông 80 tuổi Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn ở tỉnh Bắc Ninh kiên cường tố cáo "khui" ra gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, nhưng tới giờ vẫn chưa được khen thưởng.

Ông Nguyễn Công Uẩn nuôi chim bồ cầu để có kinh phí tố cáo tham nhũng (Ảnh: V.L)
Ông Nguyễn Công Uẩn nuôi chim bồ cầu để có kinh phí tố cáo tham nhũng (Ảnh: V.L)

Thông tin tới PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt cho biết Cục Chống tham nhũng vừa có văn bản phản hồi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xung quanh việc khen thưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn (cùng trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Theo đó, Cục Chống tham nhũng cho rằng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần xem xét hồ sơ sự việc ông Lãng, ông Uẩn có công trong việc giúp cơ quan chức năng khui ra gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, giúp ngân sách nhà nước thu hồi hàng trăm tỷ đồng, để áp dụng các quy định về việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, từ đó thực hiện việc khen thưởng 2 ông.

“Thẩm quyền khen thưởng đối với ông Lãng và ông Uẩn thuộc về tỉnh Bắc Ninh, nhưng bây giờ tỉnh Bắc Ninh không khen thưởng thì thẩm quyền khen thưởng thuộc về Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Việc khen thưởng với hai công dân này là đúng, nên khen sớm, bởi đó là người thật việc thật, rõ ràng quá rồi còn gì nữa”- ông Đạt nói.

Nói về việc tỉnh Bắc Ninh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chậm trễ, ngó lơ khen thưởng cho hai lão nông 80 tuổi, ông Đạt nhận định: “Hai năm mà chưa khen thưởng cho hai người khui ra gần 3.000 hồ sơ thương binh giả là quá vô lý. Bây giờ chúng ta đang phát động mọi người dân tố cáo tham nhũng thì phải khen thưởng kịp thời những con người như thế này, chứ đừng lấy lý do này kia mà trì hoãn việc đó. Kinh phí khen thưởng có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau, chứ đâu cứ phải từ quỹ phòng chống tham nhũng. Tôi cho rằng phải sớm khen thưởng, động viên hai bác ấy”.

Ông Nguyễn Tiến Lãng (Ảnh: V.L)
Ông Nguyễn Tiến Lãng (Ảnh: V.L)

Trong sự việc này, từ tháng 4/2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, từ năm 2010, các ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn đã có đơn gửi tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tố cáo hàng trăm đối tượng cư trú tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Bộ đã tiến hành xác minh nội dung đơn tố cáo và phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị khởi tố vụ án.

Đến ngày 14/6/2013, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 5 bị can (Nguyễn Bá Bi, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Đức Nhâm, Nguyễn Khắc Ngung, cùng trú tại huyện Thuận Thành) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời mở rộng điều tra vụ án.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Quân khu I đã chỉ đạo Cơ quan điều tra hình sự tiến hành điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh đối với hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện tại Quân khu I. Kết quả điều tra phát hiện số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người (đối tượng các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu I), kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 20 tỷ đồng, có 24 người bị xử lý hình sự.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, từ tố cáo của ông Lãng và ông Uẩn các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai sót trong việc xác lập hồ sơ thương binh, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ để được hưởng chế độ ưu đãi, tạo niềm tin cho người dân ở các địa phương về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tôn vinh những người thực sự có công trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Trong lá đơn gần nhất gửi tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Lãng và ông Uẩn khẳng định, lúc nào cũng đi đầu việc chống tham nhũng về mọi mặt, nhất là vấn đề chế độ chính sách, đãi ngộ người có công trong suốt 11 năm qua.

“Khi gửi đơn tố giác chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến tố giác để được khen thưởng. Nhưng hai chúng tôi cũng muốn biết mình có đủ điều kiện được xem xét khen thưởng hay không, vì chúng tôi nhận được công văn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông báo được khen thưởng nhưng đã chờ đợi 2 năm nay vẫn không có tin tức gì”- lá đơn nêu rõ.

“Chúng tôi tuy đã 80 tuổi, nhưng còn sống ngày nào sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng”- hai lão nông viết tiếp trong đơn gửi tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Các mức khen thưởng

Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ có hiệu lực ngày 1/5/2015 quy định, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được khen thưởng. Hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Dũng cảm; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Ngoài mức thưởng theo quy định chung của Luật Thi đua khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cao nhất lên tới hàng tỷ đồng.

Cụ thể: Huân chương Dũng cảm thưởng là 60 lần mức lương cơ sở (hiện nay là trên 1,2 triệu đồng đồng); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương 20 lần mức lương cơ sở.

Nếu giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định nêu trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở.

Thế Kha