1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Không giám sát được tàu nước ngoài tắt thiết bị khi vi phạm lãnh hải?

(Dân trí) - Thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua có một số tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải của Việt Nam rất rõ nhưng vì lực lượng quá mỏng nên không nắm bắt kịp thời để có thông tin. Một số tàu vi phạm vùng biển của chúng ta, tắt hết mọi thiết bị nên không giám sát được

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Lực lượng quá mỏng, phương tiện quá nhỏ

Nêu đặc thù nước ta là quốc gia biển với bờ biển rất dài trên 3.200 km, diện tích biển gần gấp 3 diện tích đất liền với hơn 1 triệu km2, kinh tế biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện nay khả năng nắm bắt địa bàn của cảnh sát biển rất hạn chế so với nhiều nước trong khu vực.

“Vừa qua, có một số tàu nước ngoài vi phạm lãnh hải của chúng ta rất rõ nhưng vì lực lượng của chúng ta quá mỏng nên ta không thể nào nắm bắt kịp thời để có thông tin. Một số tàu vi phạm vùng biển của chúng ta, tắt hết mọi thiết bị nên không giám sát được”- ông Thể nhìn nhận.

Vì vậy khi ban hành luật này, cần đưa vào một số quy định để làm sao lực lượng cảnh sát biển có thể đảm bảo về số lượng, quản lý được toàn bộ vùng biển, để ở đâu có ngư dân, ở đâu có hoạt động vận tải hay kinh tế biển, kể cả khu vực đường biển quốc tế giữa Việt Nam với các nước thì cảnh sát biển phải phủ kín để quản lý được địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải phản ánh, đa số phương tiện của cảnh sát biển hiện nay quá nhỏ, chỉ hoạt động được trong điều kiện thời tiết tốt, nếu gió bão cấp 6-7 trở lên thì tàu rất yếu, hoạt động rất nguy hiểm. Ông đề nghị chú trọng trang bị cơ sở vật chất cho cảnh sát biển, trong đó có các loại tàu hiện đại, tàu lớn để có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. “Nước ta mỗi năm hơn 10 cơn bão, có những con bão với gió cấp 12-13, nếu chúng ta không hoạt động được trong những điều kiện như thế thì khó quản lý được vùng biển của chúng ta”- ông Thể góp ý.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát biển cần có chuyên môn, chuyên ngành sâu, vì hiện nay những tàu đến với Việt Nam có dụng ý xấu thường trang bị rất hiện đại, nếu không có trình độ, không am hiểu thì nhìn thấy thiết bị đó cũng không biết là gì, trong khi có khi họ dùng thiết bị đó do thám, điều tra tài sản trên vùng biển của ta, hay có những hành động vi phạm chủ quyền của chúng ta.

Ông Thể đề nghị cảnh sát biển phải được đào tạo chính quy về chuyên ngành, kể cả những kiến thức hiện đại về công nghệ mới mà hiện nay nước ngoài đang áp dụng để cảnh sát biển đông nhưng có năng lực, đủ thiết bị và điều kiện, có như thế mới đáp ứng đủ yêu cầu bảo vệ vùng biển.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò.

Làm rõ nhiệm vụ để tránh chồng chéo nhiệm vụ

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 khẳng định, cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, làm nhiệm vụ quốc tế biển. “Nếu tình hình trên biển có chiến tranh xảy ra không phải chỉ là thực thi pháp luật trên biển, lực lượng cảnh sát biển còn là trụ lực chính, hiệp đồng với lực lượng hải quân để chiến đấu bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nên chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển thời bình cũng như thời chiến đều gian nan và vất vả”- ông Cò nhận định.

Chính vì thế, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, cảnh sát biển phải là chính quy, hiện đại. “Nếu không hiện đại thì không thực hiện nhiệm vụ được. Cứu hộ cứu nạn trên biển khác trên đất lền, khi nhận được tín hiệu thì phải có thiết bị hiện đại để định vị được ngay”- ông Cò phân tích.

Đại biểu Ngô Minh Châu (TPHCM) đề nghị làm rõ hơn nhiệm vụ của cảnh sát biển để tránh chồng chéo trong thực thi. Đặc biệt liên quan đến tố tụng cần làm rạch ròi, tránh tình trạng “dễ thì làm, khó để cho đơn vị khác xử lý”.

Dẫn chứng sự kiện tàu HD981 của Trung Quốc cách đây chưa lâu, đại biểu Lâm Đình Thắng đánh giá lực lượng cảnh sát biển đang thiếu phương tiện và thiếu nhiều trang thiết bị. Do đó nhà nước cần hiện đại nhanh phương tiện, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng cho cảnh sát biển.

“Trung Quốc đã công bố xây dựng 20 nhà máy hạt nhân nổi và trước đó họ đã có nhiều giàn khoan di động. Do đó Việt Nam cần có các phương tiện di động để đảm bảo an ninh chủ quyền trong phạm vi chủ quyền theo luật pháp quốc tế”- vị đại biểu TPHCM đề nghị.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm