Hàng trăm cán bộ dân phòng, Công an xã hy sinh, bị thương trong đấu tranh chống tội phạm chưa được hưởng chính sách:
Không được công nhận vì trong hồ sơ không có từ “dũng cảm”
Mấy năm nay, anh Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội cứ gửi đơn đến các cơ quan chức năng, chờ đợi để rồi lại thất vọng trước kết quả nhận được.
Dù mang trên mình thương tật vĩnh viễn trong khi làm nhiệm vụ nhưng cả anh và đồng chí Công an viên Nguyễn Xuân Thạnh không được hưởng chế độ thương binh. Lý do chỉ vì trong hồ sơ không có từ “dũng cảm”…
Vụ án lúc nửa đêm
Chiều 24/5, trời không mưa nhưng con ngõ vào nhà anh Trưởng Công an xã xâm xấp bùn nước. Giữa cổng, chị Nguyễn Thị Tâm, vợ anh đang cắm cúi đánh vữa: “Em phải chặn lại đường nước chảy từ cống qua cổng. Nếu không, nước cống tràn qua cổng, bẩn lắm!”.
Tiếng là làm việc tại xã nhưng anh Khoa cứ đi biền biệt cả ngày lẫn đêm. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, chị đều làm thay chồng. Cô con gái nhỏ mới được 2 tuổi ngủ dở giấc trên chiếc giường duy nhất trong ngôi nhà lợp ngói tây vỏn vẹn 12m2. Nhắc đến vụ việc khiến chồng bị thương, mắt chị Tâm lại đỏ hoe: “Khi em mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng thì chuyện xảy ra...”.
Trở lại vụ việc vào đêm 5/1/2010. Sau khi nhận được tin báo về một vụ đánh nhau tại khu tập thể Quỳnh Lân, tổ công tác của Công an xã Vĩnh Quỳnh do đồng chí Nguyễn Văn Khoa, 38 tuổi, Trưởng Công an xã phụ trách và 3 Công an viên là Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Chí và Nguyễn Xuân Thạnh đến hiện trường giải quyết. Khi đến nơi, tổ công tác bị đối tượng Trần Văn Hiền, 35 tuổi, HKTT tại xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tạm trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội dùng xô nhựa chứa 2,5 lít axít hắt vào người đồng chí Khoa và Thạnh. Mặc dù vậy, các anh vẫn cố chịu đựng, dũng cảm cùng tổ công tác bắt giữ đối tượng.
Ngay sau khi bắt được đối tượng, anh Khoa và anh Thạnh phải vào nhập viện điều trị vết thương. 3 tháng liền nằm tại Viện Bỏng Quốc gia, hai anh đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật loại bỏ phần hoại tử và cấy ghép da. Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội kết luận giám định tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Văn Khoa là 38%, tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Xuân Thạnh là 28%. Ngày 31/3/2010, đồng chí Trần Long Xuyên, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký tặng Giấy khen cho anh Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Xuân Thạnh vì đã có thành tích bắt giữ đối tượng cố ý gây thương tích.
Trước tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tội phạm của anh Khoa và anh Thạnh, ngày 16/7/2010, Công an huyện Thanh Trì đã có Văn bản số 670/CATT (TH) về việc đề nghị công nhận thương binh cho cán bộ Công an xã. Văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Thanh Trì (LĐ-TB&XH) báo cáo và đề nghị xem xét, làm thủ tục đề nghị công nhận thương binh cho đồng chí Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Xuân Thạnh.
UBND xã Vĩnh Quỳnh cũng căn cứ vào khoản 6, Điều 19 Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP đề nghị công nhận thương binh cho đồng chí Khoa và Thạnh.
Vết thương trên người anh Nguyễn Văn Khoa và anh Nguyễn Xuân Thạnh.
Giải quyết chế độ không xem xét “cái tình”
Anh Khoa, anh Thạnh và Công an huyện Thanh Trì đã có văn bản gửi UBND huyện Thanh Trì đề nghị giải quyết chế độ thương binh từ giữa năm 2010. Quá trình giải quyết hồ sơ diễn ra trong thời gian dài. Ban đầu, Phòng LĐ,TB&XH Thanh Trì phải chuyển hồ sơ báo cáo Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, rồi Sở lại phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cục Người có công, Bộ LĐ,TB&XH.
Thời gian giải quyết hồ sơ quá lâu nên anh Khoa tìm đến cơ quan chức năng để hỏi thì được biết, trong hồ sơ của anh, cụ thể là cả kết luận điều tra và bản án của Tòa án huyện Thanh Trì đều không thể hiện được từ “dũng cảm” theo quy định.
Mãi tới tháng 1/2012, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội mới có văn bản trả lời UBND huyện Thanh Trì theo nội dung hướng dẫn của Cục Người có công. Văn bản số 1262/NCC ngày 26/12/2011 do Phó Cục trưởng Lê Hồng Sơn ký căn cứ vào Bản án số 128/2010/HSST ngày 21/9/2010 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì: “Khoảng 23h ngày 5/1/2010, tại khu vực ngõ vào Công ty cổ phần Đại La thuộc địa phận thôn Quỳnh Lâm, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, Trần Văn Hiền đã dùng xô nhựa chứa dung dịch axít sunfuric hất vào người ông Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Xuân Thạnh khi ông Thạnh đang điều khiển xe môtô chở ông Khoa đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Do trời tối nên Trần Văn Hiền tưởng đó là xe của nhóm người có mâu thuẫn trước đó đang đuổi đánh mình. Sau đó đối tượng đã ra đầu thú tại cơ quan Công an”.
Theo phản ánh của anh Khoa, sau khi bị thương, anh vẫn cùng đồng đội bắt giữ đối tượng, giao lại cho đồng đội xử lý. Trong khi đó, Văn bản số 670/CATT ngày 16/7/2010 của Công an huyện Thanh Trì đề nghị giải quyết chế độ cho anh Khoa và anh Thạnh cũng nêu rõ: “Tuy bị thương nhưng đồng chí Nguyễn Văn Khoa và Nguyễn Xuân Thạnh đã dũng cảm cùng tổ công tác bắt giữ đối tượng Trần Văn Hiền để xử lý”. Cục Người có công căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP khẳng định: “Trường hợp bị thương của hai ông chưa thuộc một trong những trường hợp được xem xét xác nhận người hưởng chính sách như thương binh”.
Rõ ràng, vì nhận được tin báo và đến hiện trường giải quyết vụ việc ngay trong đêm nên anh Khoa và anh Thạnh mới bị đối tượng tạt axít và phải mang thương tật suốt đời. Hành động trực tiếp đến nơi xảy ra mất ổn định về an ninh trật tự ngay sau khi nhận được tin báo của tổ công tác Công an xã Vĩnh Quỳnh chính là thể hiện trách nhiệm trong công việc và tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. Đó cũng là tinh thần dũng cảm dù biết trước nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy nhưng, do quá máy móc áp dụng câu chữ mà các cơ quan chức năng đã không giải quyết chế độ thương binh cho anh Khoa và anh Thạnh.
Chị Tâm, vợ anh Khoa tâm sự với chúng tôi rằng làm Công an xã thiệt thòi lắm. Những việc lẽ ra cần bàn tay rắn rỏi của người đàn ông thì người vợ cũng phải cáng đáng hết. Chúng tôi tìm đến nhà anh Thạnh, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tân cũng xót xa khi nói về con: “Sau khi bị thương, Thạnh cũng vẫn bị đau vết thương và cáu kỉnh mỗi khi trở giời. Mong sao cháu được hưởng chế độ như thương binh cho đỡ thiệt thòi”.
Mong muốn của gia đình anh Khoa, anh Thạnh là nguyện vọng chính đáng. Lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì cũng trao đổi với chúng tôi rằng rất mong Bộ LĐ,TB&XH giải quyết chế độ cho hai anh vì các anh xứng đáng được hưởng. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần cho lực lượng Công an xã, nếu không sẽ rất khó vận động quần chúng nhân dân tham gia làm Công an xã giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương
Theo Việt Hà - Cao Hồng
Công an nhân dân