Không đưa việc lấy phiếu tín nhiệm vào luật Tổ chức Quốc hội
(Dân trí) - Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ QH ngày 15/4 không có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm vì còn chờ sửa Nghị quyết về vấn đề này. Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm cơ bản giữ như quy định hiện hành.
Cụ thể, theo dự thảo luật, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của UB Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; những người giữ các chức vụ khác do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm do UB Thường vụ Quốc hội đề nghị, hoặc có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu, hoặc có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc các ủy ban của Quốc hội. Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm được đại biểu đưa ra bằng văn bản, nêu rõ họ tên, chức vụ của người bị đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm và lý do đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ được tập hợp đầu mỗi kỳ họp.
Trong trường hợp không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm.
Về đề xuất quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, ban soạn thảo dự án luật cho biết, quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật, có ý kiến đề nghị tất cả các chức danh do Quốc hội bầu phải tuyên thệ khi nhậm chức.
Ý kiến khác cho rằng chỉ nên quy định về tuyên thệ khi nhậm chức đối với các chức danh Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hoặc bổ sung chức danh Chánh án TAND tối cao, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Viện trưởng VKSND tối cao.
Ngược lại, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về việc tuyên thệ nhậm chức. Một số vị đề nghị gộp quy định về việc tuyên thệ nhậm chức tại các điều riêng thành một điều chung quy định về vấn đề này.
Theo ban soạn thảo, quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu. Chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội chỉ thể chế hóa nội dung này.
Việc quy định về tuyên thệ nhậm chức tại các điều riêng cũng được ban soạn thảo lý giải là nhằm làm rõ quy trình tuyên thệ nhậm chức của mỗi chức danh được thực hiện ngay sau khi người đó được bầu. Nếu gộp việc tuyên thệ của các chức danh vào trong một điều sẽ dẫn đến cách hiểu sau khi tất cả các chức danh này được bầu sẽ thực hiện tuyên thệ cùng một lúc. Do đó, cơ quan soạn thảo luật đề nghị được giữ như dự thảo, tức là trong mỗi điều về bầu các chức danh nói trên đều có một dòng quy định, sau khi được bầu, các chức danh đứng đầu các cơ quan nhà nước “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.
Về nội dung “Tổng thư ký Quốc hội” thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị thay các chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bằng chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ủy viên thư ký Quốc hội. Việc lập chức danh này thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.
Tổng thư ký Quốc hội chịu trách nhiệm phát hành thông cáo về nội dung phiên họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội; tổ chức công tác thông tin báo chí tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
P.Thảo