1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không dựa vào dân, cuộc chiến chống tham nhũng khó thành công

(Dân trí) - Chiều 5/5, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai
mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

 

Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu năm 2013 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới. Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với nội dung báo cáo, đồng thời bổ sung, làm rõ một số vấn đề, nêu thêm một số kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua; đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh thêm một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

 

Ý kiến chung của Hội nghị cho rằng, phát huy kinh nghiệm của nhiều năm trước, từ đầu năm 2013 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai khá đồng bộ và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng hơn so với trước. Việc phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng hơn…

 

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Hội nghị thống nhất khẳng định, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và 8 nội dung công tác phòng, chống tham nhũng nêu trong báo cáo tại Hội nghị này; chú trọng cả phòng và chống, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư chỉ rõ: Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 4, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và nhiều văn bản khác của Đảng, Nhà nước ta đều khẳng định: phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả. Căn cứ vào Điều lệ và các Nghị quyết của Đảng, cần cụ thể hóa, xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng để từng bước hình thành một hệ thống các quy định khoa học, chặt chẽ, đồng bộ về phòng, chống tham nhũng; hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong sạch, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 và một số Luật đã được Quốc hội thông qua. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp; chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng. Quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

 

Tổng Bí thư lưu ý tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng. Bởi giáo dục là biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính; chống tha hóa, biến chất. Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng.

 

Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng.

 

Tổng Bí thư yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là nhân tố hàng đầu đảm bảo việc thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền, đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

 

Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án, vụ việc tham những lớn.

 

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải thường xuyên đối mặt với những thử thách, tiêu cực trong xã hội, những môi trường nhạy cảm, khiến con người dễ bị sa ngã nếu không có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng cần tiến hành rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời những quy định chưa phù hợp hoặc có sơ hở, giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm; phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức. Kiên quyết xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

 

Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Trong năm 2014, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cơ chế giám sát của công chúng và dư luận xã hội; nghiên cứu để có những hình thức phù hợp mở rộng phạm vi tham gia của công chúng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường sự giám sát của công chúng đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan Nhà nước; thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm các sai lầm nghiêm trọng. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bởi tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh”của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền. Đảng và Nhà nước ta đã thấy sớm và đã chỉ đạo làm nhiều lần, làm quyết liệt việc này thì mới được như ngày nay. Nhưng rõ ràng, còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, không thể nóng vội. Cũng cần cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để thổi phồng mặt xấu, bôi nhọ, phá hoại Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta.

 

Tổng Bí thư tin tưởng, từ những kết quả, kinh nghiệm thời gian qua, với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân (toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng tải trên trang thông tin dịch vụ của TTXVN, tại Bản tin Thời sự Trong nước)./.

 

Nguyễn Sự - Hương Thủy
 TTXVN