1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không đồng tình đề án tăng giá nước sạch

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản tới Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng tăng giá nước sạch vào năm 2009 vì lý do mức giá hiện nay quá thấp. Ngay lập tức, lãnh đạo Viện nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) đã có ý kiến phản đối.

Tăng giá, thêm gánh nặng cho người thu nhập thấp

Đề xuất tăng giá nước của Bộ Xây dựng trên cơ sở đề nghị của Hội cấp thoát nước Việt Nam. Mức tăng giá mà hội đề xuất là giá nước sinh hoạt của hộ gia đình dưới 16m3 là 3.600 đồng (giá cũ là 2.800 đồng); 4m3 tiếp theo là 4.200 đồng (giá cũ là 3.500 đồng); 10m3 tiếp là 5.500 đồng (giá cũ là 5.000 đồng) và trên 35m3 là 8.000 đồng (giá cũ 7.500 đồng).

Như vậy, bình quân một hộ dân (4 khẩu) mỗi tháng 25m3 nước thì mỗi tháng phải bỏ thêm từ 22.000 - 25.000 đồng/tháng, nghĩa là nếu theo mức giá mới là phải trả gần 100.000 đồng/tháng thay vì khoảng 73.000 - 75.000 đồng/tháng trước đây.

Theo cách giải thích với báo chí của ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch hội thì giá nước hiện nay quá thấp, chỉ chiếm 1% thu nhập của người dân đô thị, cần phải nâng lên.

Ông Tôn cho rằng giá các dịch vụ khác hiện nay tăng quá cao mà chẳng thấy ai kêu ca phàn nàn gì. Trong khi đó, theo đề xuất tăng giá nước thì mỗi gia đình mỗi tháng chỉ phải bỏ thêm hơn hai chục nghìn đồng, không đáng là bao.

Thực tế, giá nước đã chiếm một khoản chi phí đáng kể trong những gia đình đang thuê nhà ở đô thị, thành phố, họ chủ yếu là những người có thu nhập thấp và phải nộp tiền điện, nước theo mức giá đã lũy tiến, trong đó giá nước phổ biến là 5.000 đồng/m3.

Như vậy thì chỉ ngay với giá nước hiện tại, cũng đủ để bắt họ phải è cổ ra trả tiền với trung bình mỗi tháng khoảng 150.000 đồng, nói gì đến chuyện tăng giá.

Vấn đề không dừng lại ở đó, TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng viện nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) còn cảnh báo rằng: Ở khu vực nông thôn thì tăng giá vài chục nghìn lại là một câu chuyện lớn. 

Chúng ta muốn người dân những khu vực này được sử dụng nước sạch. Nhưng có thể việc phải trả thêm mấy chục nghìn một tháng mà họ từ chối sử dụng nước sạch. Trong phương án tăng giá nước phải có sự cân nhắc, đừng tăng để người dân nông thôn không dám dùng nước sạch mà quay sang đào giếng, hứng nước mưa...

Nước sạch còn là mục tiêu thiên niên kỷ

Việc tăng giá nước thêm vài chục nghìn một tháng không phải là vấn đề lớn của các hộ gia đình nhưng phải đặt vào điều kiện hiện nay, nó có đáng tăng hay không. Theo TS. Vũ Đình Ánh, lý do mà ngành nước đưa ra thực sự không thuyết phục.

Ngành nước cơ bản không khác gì ngành điện. Họ đang là những nhà cung cấp độc quyền, cung cấp hàng hoá thiết yếu cho người dân đô thị và nông thôn. Họ tăng giá mà không hề quan tâm đến trách nhiệm của họ đối với xã hội, với chính phủ. Phải hiểu rằng, nước sạch là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đang cam kết thực hiện chứ không còn là chuyện kinh doanh.

Ngành nước tính toán rằng việc điều chỉnh giá nước đảm bảo trên cơ sở tính đủ chi phí giá thành sản xuất, để tái đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường chất lượng đầu tư. Nhưng đầu tư là trách nhiệm của người kinh doanh.

Họ không thể nói rằng tôi tăng giá để lấy tiền đầu tư. “Cần tiền đầu tư họ phải huy động vốn từ các nguồn khác như dùng lợi nhuận để lại, có thể vay ngân hàng, phát hành trái phiểu... chứ không thể đổ lên đầu người dân được” - ông Ánh nói.

Thực tế, với cơ chế độc quyền của ngành nước như hiện nay, dù giá nước có bị tăng nhiều hay ít, dịch vụ cung cấp nước sạch dù có thế nào thì người dân vẫn cứ phải chịu.

Vấn đề đa dạng hoá nguồn cung cấp nước sạch không phải bây giờ mới nói đến song trước việc đảm bảo quyền lợi cũng như sức khoẻ của người dân, nó trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm