Không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 của Bộ Tư pháp, sáng 23/12.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thể chế pháp luật và thực thi pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng đất nước trên tinh thần kỷ cương phép nước, phát huy dân chủ. Đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy của chúng ta trong xây dựng và xử lý các vấn đề pháp luật.
Với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ và ngành tư pháp đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các bộ ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành.
Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là "nhạc trưởng", cơ quan "gác cửa" trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.
Dù vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành tư pháp. Trong đó năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.
Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Vẫn còn tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; số việc thi hành án năm trước chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều…
Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy vai trò "nhạc trưởng" trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
"Chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay, do đó, pháp điển hóa pháp luật là vấn đề cần tiếp tục đặt ra cho ngành tư pháp... Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật"- Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.
Phải quán triệt quan điểm, cái gì Nhà nước không làm, không cần thiết làm, không phải nhất thiết làm thì nên hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, xã hội làm. Đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong toàn ngành các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành tư pháp sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Thi hành án xong trên 53.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2016 - 2020 toàn ngành đã tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng; tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh…
Riêng năm 2020, Bộ, ngành tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.
Mặc dù chịu sự ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nhưng hệ thống thi hành án dân sự đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án.
"Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi"- Bộ Tư pháp cho hay.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Bộ, ngành tư pháp với các ngành, các cấp trong cập nhật thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp ngày càng hiệu quả.
Bộ và các Sở Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ bưu chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân. Năm 2020, gần 700.000 phiếu lý lịch tư pháp trong tổng số khoảng 2,8 triệu phiếu đã được cấp từ năm 2016 đến nay, tăng tới hơn 2,4 lần so với nhiệm kỳ trước.