1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không để Hà Nội bị phai nhạt trong vùng không gian rộng lớn

(Dân trí) - “Sáp nhập với Hà Tây, về lâu dài tạo sự phát triển cho Hà Nội. Nhưng nếu không có cái nhìn sâu sắc, trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ bị phai nhạt, bị hòa đồng với vùng nông thôn rộng lớn ở xung quanh”, Giáo sư Phan Huy Lê nói.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, Giáo sư Phan Huy Lê trao đổi với phóng viên những vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư Phan Huy Lê mong Hà Nội tiếp tục phát huy được giá trị của nội đô lịch sử
Giáo sư Phan Huy Lê mong Hà Nội tiếp tục phát huy được giá trị của nội đô lịch sử

Là nhà sử học, ông cảm nhận thế nào trước sự đổi thay của Thủ đô trong 60 năm qua?

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, cá nhân tôi thấy rất xúc động vì 5 ngày sau ngày giải phóng Thủ đô, chúng tôi có mặt ở Hà Nội. Qua 60 năm sống trên đất Thủ đô, tôi rất mừng trước từng bước phát triển của Hà Nội.

Trải qua 60 năm năm, Hà Nội dần khẳng định là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước. Sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây, Hà Nội trở thành một trong những đô thị lớn nhất thế giới. Về phương diện văn hóa, lịch sử các bước dịch chuyển đó của Hà Nội có tác động như thế nào, thưa Giáo sư?

Tôi luôn nhấn mạnh, Hà Nội mở rộng trên một diện tích lớn, một trong những thủ đô rộng nhất trên thế giới. Việc mở rộng không gian như vậy, đứng về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch có rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn lâu dài đó là điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội.

Tuy vậy, có nhiều vấn đề đặt ra về văn hóa cho Hà Nội ở khu vực mở rộng - vùng đất này phải ghi nhận chủ yếu là nông thôn với một số thị trấn nhất định. Khu vực mở rộng có tỉ lệ diện tích và dân số áp đảo trung tâm. Do vậy nếu chúng ta không có nhìn sâu sắc mà để cho sự phát triển tự phát chi phối sẽ dẫn đến hệ quả đáng buồn. Đó là trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ bị phai nhạt dần và bị hòa đồng với cả vùng nông thôn rộng lớn xung quanh. Tôi cần cảnh báo trước điều đó và mong rằng nó không bao giờ xảy ra.

Vậy theo Giáo sư, Hà Nội phải làm thế nào để giữ được bản sắc của nội đô lịch sử - trung tâm Thăng Long - Hà Nội?

Theo tôi cần phải ghi nhận Hà Nội có một không gian văn hóa đa dạng sau khi mở rộng. Quy hoạch Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh và đó là 5 trung tâm văn hóa vùng. Dù vậy, Hà Nội phải bảo tồn và phát huy tốt giá trị nội đô lịch sử - tức là vùng trung tâm của Thăng Long - Hà Nội ngàn xưa.

Văn hóa luôn luôn phát triển trong giao lưu, phát triển trong sáng tạo nhưng bản sắc, cốt lõi, thần thái của nó thì phải được bảo tồn. Tôi cũng nghĩ rằng để giàu mạnh chắc chắn Hà Nội đi vào con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng dù sao vẫn phải giữ được bản sắc. Điều này đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề cho Hà Nội vì làm được việc đó không dễ chút nào. Hà Nội cần phải có quy hoạch văn hóa cho phù hợp - dù quy hoạch này đã có nhưng theo tôi nó chưa đạt.

Thực tế vừa qua Hà Nội luôn phải đối mặt giữa bảo tồn những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử nhưng lại rất cần xây dựng những công trình mới để phục vụ cho sự phát triển. Điều đó làm cho nhiều công trình có giá trị bị lu mờ, thậm chí nó phải “hi sinh” cho sự phát triển, thưa Giáo sư?

Ở Hội đồng tư vấn của Hà Nội, chúng tôi đang cùng các cơ quan có trách nhiệm cố gắng để giải quyết thật hài hòa tất cả các mối quan hệ đó.

Tôi lưu ý trong lòng đất ở Thủ đô còn nhiều hiện vật vô giá. Từ năm 2010 đến nay (chủ yếu năm 2011), với những thám sát sơ bộ về khảo cổ học thôi cũng đã phát hiện ra nhiều vật quý. Lấy ví dụ như hiện nay đang trưng bày trong Hoàng thành Thăng Long những khảo cổ học mới phát hiện, tôi cực kỳ ấn tượng với cái ấn bằng gỗ. Lúc đầu mọi người coi thường nhưng tôi đánh giá nó rất cao vì nó là “Sắc mệnh chi bảo” - tức là Quốc ấn của vua Trần Thái Tông.

Như vậy, là có nhiều phát hiện bất ngờ cho nên với di sản Hoàng thành Thăng Long phải tiến hành trên hai phương diện kết hợp hài hòa lẫn nhau. Thứ nhất, phải tiếp tục nghiên cứu nhiều vấn đề bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Thứ hai, khi phát hiện đến đâu cần phải bảo tồn và phát huy giá trị đến đó.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong