"Không để dân tiền mất tật mang khi dùng thuốc từ quảng cáo"
(Dân trí) - Nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo thuốc, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc tại tổ, chiều 18/6.
Dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.
Dự thảo luật cũng nêu rõ "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội" và các hình thức kinh doanh điện tử khác mà luật không quy định.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo thuốc.
"Không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với việc mở rộng bán thuốc trên sàn giao dịch thương mại điện tử, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có quy định cụ thể để kiểm soát và mở rộng từng bước một cách thận trọng.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cũng nêu lo ngại thời gian qua, có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppee, TikTok shop. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.
Bà đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Trước thực tế giá thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống, nữ đại biểu cho rằng phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm. Bà đề nghị ban soạn thảo đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phản ánh thực tế việc quảng cáo thuốc hiện nay diễn ra rất tràn lan, thậm chí bát nháo.
Bà Nga cũng chỉ ra cách thức quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng đang hình thành một thói quen sử dụng thuốc rất nguy hiểm cho người dân, chỉ cần nghe người này mách người kia là sử dụng.
Những quảng cáo như vậy, theo bà Nga, không vì trách nhiệm cộng đồng. Do đó nếu bỏ việc xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước và chuyển sang hậu kiểm là rất đáng lo ngại.
Với hướng tiếp cận thận trọng, bà Nga đề nghị chưa nên bỏ xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quảng cáo thuốc, bán thuốc.
Quản lý quảng cáo thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế
Chia sẻ từ câu chuyện thực tế của bản thân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết ngày nào ông cũng nhận những cuộc điện thoại gọi đến hỏi "thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không, mà người ta dùng hình ảnh của anh để bán rất nhiều trên mạng và người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản".
Vấn đề quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, theo bác sĩ Hiếu, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế.
Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, ứng dụng của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.
Ủng hộ chính sách phát triển ngành dược, song đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lưu ý cần tránh duy ý chí theo kiểu dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho sản phẩm của các hãng dược lớn vào Việt Nam, dẫn tới kìm hãm nhập khẩu thuốc tốt, thuốc quý.
Nếu như vậy, vị đại biểu lo ngại người dân vẫn phải dùng thuốc và giá thuốc bị đẩy lên cao.
Về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng mua trên mạng và nhà thuốc sẽ gửi về tận nhà, Ủy ban Xã hội không ủng hộ quy định này và cho rằng chỉ nên cho phép mua tại nhà đối với thực phẩm chức năng.
Dù vậy, thực tế nhiều nhà thuốc đang bán theo hình thức người dân chỉ cần chụp đơn thuốc, nhà thuốc sẽ gửi thuốc đến tận nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, nếu cấm một cách cơ học nhưng không tìm ra giải pháp thuận lợi cho người dân, sẽ đẩy người dân vào câu chuyện vi phạm pháp luật.
Ông đề xuất cho phép thực hiện nhưng phải quy định rõ và nên bắt đầu từ nhà thuốc của các bệnh viện. Bởi bệnh nhân xuất viện về nhà, 3 tháng sau muốn mua thuốc thì vẫn có hồ sơ lưu tại đó.
"Chúng ta quy định nhà thuốc bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa thì có thể chuyển thuốc đến tận nhà người dân", bác sĩ Hiếu nói.