Chính phủ đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội
(Dân trí) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng.
Chiều 18/6, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chính phủ nhận định Luật Dược 2016 đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách của Nhà nước về dược nhưng sau 7 năm triển khai, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Liên quan một số loại hình kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn, Chính phủ nêu thực tế trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc mua sắm qua Internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân.
Bên cạnh đó, trên thực tiễn đã xuất hiện loại hình tổ chức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, nhưng các nội dung này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh.
Vì thế, dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.
Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử.
Các cơ sở này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo luận cũng nêu rõ "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác".
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cũng cho rằng việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra góp ý dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Đặc biệt, Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử và trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống.
Theo Ủy ban Xã hội, thực tế, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhất là hoạt động bán lẻ, có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc, nên cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.
Về các thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, cơ quan thẩm tra cho biết còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể ngay tại dự thảo Luật điều kiện đối với thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, theo hướng chỉ áp dụng đối với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc.
Loại ý kiến thứ hai thống nhất với ý kiến của Chính phủ, là không quy định cụ thể các loại thuốc mà giao Bộ trưởng Y tế quy định để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đa số ý kiến của Ủy ban Xã hội thống nhất loại ý kiến thứ nhất, bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng; việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin người mua hàng.
Cũng theo đề nghị của Ủy ban xã hội, Chính phủ cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân.