Không để chết người mới xử lý điểm đen
(Dân trí) - "Ưu tiên xử lý ngay khi phát hiện các vị trí tiềm ẩn, bất cập giao thông, không để chết người mới xử lý điểm đen…", ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Chiều 5/4, đoàn giám sát của Ủy Ban thường vụ Quốc hội do Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về chuyên đề "Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có mạng lưới giao thông đa dạng, với đầy đủ các loại hình đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không.
Từ 1/7/2009 đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 8.817 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2.609 người, bị thương 7.181 người.
Năm 2019-2023 đã xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 31 người, bị thương 10 người...
Từ năm 2016 đến hết năm 2023 đã phát hiện, phối hợp xử lý kịp thời 60 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn hàng không.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của một bộ phận lái xe, người tham gia giao thông còn hạn chế; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do bất cẩn của người điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phát triển chậm, lượng phương tiện ngày càng gia tăng, kinh phí đầu tư còn hạn chế. Trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, chủ yếu do thiếu chú ý quan sát, vi phạm phần đường, tốc độ, vượt sai quy định...
"Để tránh trường hợp xảy ra tai nạn giao thông do hạ tầng trên tuyến và xác định tiêu chí điểm đen, tỉnh Thanh Hóa mong muốn các cấp, ngành tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn. Ưu tiên xử lý ngay khi phát hiện các vị trí tiềm ẩn, bất cập giao thông, không để chết người mới xử lý điểm đen…", ông Liêm nói.
Các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong việc xử lý, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, giải quyết trách nhiệm, nguyên nhân tai nạn giao thông đường bộ tăng đột biến trong năm 2023...
Theo Đại tá Phan Thị Hường, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, có nhiều nguyên nhân khiến các vụ tai nạn tăng, trong đó có việc cập nhật số liệu không thống nhất giữa các đơn vị, địa phương; mật độ phương tiện tham gia giao thông, số lượng phương tiện đăng ký năm 2023 tăng hơn so với năm 2009…
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu: "Những ý kiến của đoàn giám sát không chỉ góp ý cho tỉnh, mà còn giúp tỉnh làm tốt hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…".
Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần sớm bổ sung, hoàn thiện các nội dung trong báo cáo giám sát, nghiên cứu, bổ sung thêm những nội dung ngoài báo cáo. Đồng thời cần làm rõ hơn tồn tại, hạn chế, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
"Việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên cả 5 loại hình giao thông không chỉ góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa mà còn cho cả nước. Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của địa phương, đoàn giám sát sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, ban hành luật thời gian tới", Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Trước đó, đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoằng Hóa, Công an thành phố Thanh Hóa, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tại về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác đào tạo học viên lái xe, cấp đổi giấy phép lái xe.