Không để các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để xuyên tạc, chống phá

Nguyễn Nhàng

(Dân trí) - Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đang được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn, bất chấp những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".  

Đất nước ta càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, các thế lực thù địch, phản động càng điên cuồng tìm mọi cách chống phá; phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có lúc âm thầm, lẩn khuất; có lúc công khai, trắng trợn. Đặc biệt, vấn đề nhân quyền luôn bị các thế lực thù địch, phản động xem như là một mũi tấn công chính nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Bởi vậy, chưa bao giờ cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại có tính cấp thiết như hiện nay. Vì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ những giá trị lịch sử, bản chất cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Không để các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để xuyên tạc, chống phá - 1

Bức ảnh "Trồng nụ trồng hoa" của tác giả Trần Thái Sinh ghi lại hình ảnh trò chơi dân gian của người dân tộc Sán Dìu.

Nhận diện một số âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động

Thứ nhất, lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng nhằm gây mất ổn định đời sống kinh tế - xã hội, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, lợi dụng vấn đề nhân quyền, tôn giáo, sử dụng chiêu bài "nhân quyền", "dân chủ", "tự do"; những vấn đề lịch sử để lại; những đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào các dân tộc, tôn giáo; những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); những điểm còn hạn chế trong thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước để chống phá cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, trang tin điện tử rằng: "Chính quyền Việt Nam không thực thi các quyền dân tộc bản địa" theo đúng cam kết đã ký trong "Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa"; tuyên truyền lôi kéo, xúi giục các đối tượng phản động trên địa bàn DTTS&MN vu cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đàn áp, vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, kích động đồng bào dùng vũ lực chống lại chính quyền các cấp; khiếu kiện, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp... Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào trên địa bàn các huyện biên giới tham gia các tôn giáo tà đạo nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, các thế lực thù địch, phản động ráo riết xây dựng lực lượng chống đối ở vùng đồng bào DTTS&MN của Việt Nam. Các tổ chức này thường bắt nguồn từ các tổ chức phản động người dân tộc thiểu số sống lưu vong hoặc do các phần tử cực đoan trong nước liên kết chặt chẽ với các tổ chức phản động ở nước ngoài tiến hành kích động tư tưởng chống đối trong một bộ phận đồng bào DTTS&MN, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, lập những tổ chức như: "Nhà nước Mông" ở Tây Bắc, "Mặt trận giải phóng Khmer - Krom" ở Nam Bộ, FULRO ở Tây Nguyên, "Mặt trận Chăm-pa" ở Tây Nam Bộ... Đồng thời, lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số nước ta tham gia huấn luyện vũ trang, nhằm tiến hành âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Thứ năm, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xây dựng, nuôi dưỡng các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp, tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào DTTS&MN chống đối chính quyền.

Giải pháp trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch

Mọi hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của đồng bào vùng DTTS&MN ở nước ta hiện nay phần lớn đều liên quan đến yếu tố nước ngoài. Để đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn chống phá đó, trong những năm tới, cần đẩy mạnh các giải pháp sau:

Thứ nhất: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là vùng DTTS&MN; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cán bộ người DTTS&MN tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp; quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, bản, nơi gần dân nhất, trực tiếp xử lý công việc hàng ngày; khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cao kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ dân vận các cấp để sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tổ chức thực hiện chính sách phù hợp với tình hình đặc điểm vùng DTTS&MN.

Thứ hai: Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đối với vùng sâu, vùng xa, DTTS&MN. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, dạy nghề, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS&MN, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS&MN đối với Đảng, Nhà nước, ngăn chặn từ xa nguy cơ lợi dụng sự chênh lệch về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí giữa các vùng miền để kích động chia rẽ, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước.

Thứ ba: Tăng cường phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về Quyền Trẻ em (CRC), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến nhân quyền, quyền của nhóm yếu thế, dân tộc, tôn giáo, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân… Tăng cường công tác ngoại giao, báo chí, truyền thông, giúp các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đồng bào trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đối nội, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo và đất nước, con người Việt Nam.

Thứ tư: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao nước ngoài, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế nhân quyền khu vực nhằm trao đổi, minh bạch thông tin, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam về vấn đề nhân quyền, đồng thời, chủ động, tích cực, kiên quyết đấu tranh, phản bác sự xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch đối với Báo cáo nhân quyền của Việt Nam.

Thứ năm: Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực biên giới; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; đề nghị các nước không cho phép các phần tử, tổ chức phản động sử dụng địa bàn nước mình để ẩn náu, xây dựng lực lượng, tập huấn các hoạt động chống phá Việt Nam. Tăng cường an ninh, quốc phòng ở vùng biên giới, vùng DTTS&MN, đề cao cảnh giác, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý, dập tắt mọi âm mưu, hoạt động chống phá. Kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với cộng đồng, đối xử khoan hồng, độ lượng với những người ăn năn, hối cải.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, quyết không để vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trở thành "mỏ vàng" của các thế lực thù địch, phản động, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, nhất là đồng bào DTTS&MN chung sức, chung lòng, đoàn kết, cảnh giác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm quyền con người ở vùng DTTS&MN trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã đạt được thành tựu ở nhiều lĩnh vực.

- Quyền về kinh tế - xã hội:

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách lớn: Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…

Lĩnh vực giáo dục: Quy mô trường lớp phát triển từ mầm non đến đại học. Việc dạy tiếng DTTS trong trường phổ thông với 6 tiếng: Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer.

Lĩnh vực văn hóa: Hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn với phát triển du lịch…

Lĩnh vực thông tin - truyền thông: Có 67 đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã phủ sóng đến vùng dân tộc và miền núi.

Lĩnh vực y tế: Có nhiều chính sách như khám chữa bệnh cho người nghèo; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030…

- Quyền về chính trị

Đến nay, có xấp xỉ 68.800 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng biên chế của cả nước, nhiều người trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

_____________________

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam (1987): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị khóa VI về Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, http://www.cema.gov.vn.

Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (1996): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác dân tộc (Nghị quyết số 24-NQ/TW), http://www.cema.gov.vn.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập 1 (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người (1998): Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người (Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb, Lý luận chính trị, Hà Nội.

Quốc hội (2014): Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

Ủy ban Dân tộc, Báo cáo số 732/BC-UBDT về Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, ngày 10/6/2021.

Ủy ban Dân tộc, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về CTDT.

Ủy ban Dân tộc, Báo cáo số 855/BC-UBDT: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, ngày 03/6/2022.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập 1 -(2021),Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2015): Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

Đoàn kết vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới (2021), Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.